Sóc Trăng có ngư trường biển rộng hơn 30.000km2, là thế mạnh rất quan trọng trong phát triển nguồn lợi kinh tế biển, giao thương hàng hải và chiến lược quốc phòng an ninh.
Từ hàng trăm năm nay, ngư dân Sóc Trăng đã biết nghề đi biển, khai thác ven bờ và ngày càng tổ chức vươn ra ngư trường xa. Ngày nay, Sóc Trăng đã có hàng trăm tàu với công suất lớn, đánh bắt dài ngày trên biển, bán kính hoạt động từ 80 đến trên 200 hải lý. Hoạt động đánh bắt từng bước được cải tiến, giúp ngư dân hoạt động hiệu quả và bám biển lâu hơn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa tham gia bảo vệ vùng biển của tổ quốc.
Lĩnh vực khai thác biển ở Sóc Trăng được xếp thứ 15 trong tổng số 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước, sản lượng hải sản mỗi năm tăng trên 10% và năm 2013 vừa qua đạt gần 60.000 tấn, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho đất nước và cải thiện đáng kể đời sống ngư dân vùng ven biển.
Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy, hải sản; trong đó số tàu có công suất từ 30 mã lực được đăng ký hành nghề có hơn 1.600 chiếc, số phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 mã lực trở lên cũng đang tăng nhanh với gần 300 chiếc.
Để tạo tâm lý yên tâm bám biển, vươn khơi cho ngư dân Sóc Trăng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng vừa qua đã thành lập đội tàu tìm kiếm, cứu nạn trên biển, thuộc Tổ tìm kiếm, cứu nạn của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh gồm 16 tàu, trong đó có một tàu kiểm ngư của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, 2 tàu tuần tra của Bộ đội Biên phòng tỉnh và 13 tàu cá của ngư dân huyện Trần Đề.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đội tàu tìm kiếm, cứu nạn trên biển thực hiện các nhiệm vụ như trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên biển.
Đội cũng cung cấp các thông tin về tình hình tai nạn xảy ra trên biển, tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn đối với người và tàu cá theo sự chỉ đạo của cấp trên; phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan và các tàu ngư dân trong vùng hoạt động triển khai công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, xử lý và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đối với người và tàu cá hoạt động khai thác trên biển.
Những năm gần đây, ngư dân Sóc Trăng đã có mô hình mới để các tàu có thể đánh bắt dài ngày, khai thác ngư trường xa có hiệu quả, đó là tổ chức các đội tàu có tàu vận tải để chuyên chở lượng tôm cá đánh bắt được vào bờ tiêu thụ, giảm việc đi lại tiêu tốn nhiên liệu so với việc khai thác đơn lẻ như trước đây.
Hệ thống tàu vận tải ở Sóc Trăng trong 3 năm gần đây đã tăng khá nhanh, năm 2011 chỉ có 4 tàu chuyên vận tải, nay đã có đội tàu vận tải gần 20 chiếc hoạt động liên tục ở các ngư trường, góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho các tàu khai thác xa bờ từ 30-50%, do ngư dân bám biển kéo dài thêm và giá trị sản phẩm khai thác cũng được nâng lên nhờ sản phẩm tươi sống.
Theo ông Ngô Văn Dũng, một thuyền trưởng tàu vận tải ở cảng Trần Đề (Sóc Trăng), nếu như trước đây, mỗi chuyến khai thác biển gần một tháng mới đưa tôm cá về đất liền thì bây giờ chỉ có khoảng một tuần sau khi đánh bắt là cá đã được đưa vào bờ tiêu thụ.
Còn về nhiên liệu thì giảm rất lớn vì tàu đánh bắt không phải thường xuyên ra vào, chỉ tập trung khai thác ngoài khơi. Mô hình tàu tải là rất hiệu quả, giúp giảm chi phí cho ngư dân rất nhiều, hiện mô hình này đang phát huy hiệu quả, là giải pháp tiết kiệm chi phí rất lớn cho gần 300 tàu thuyền công suất lớn của tỉnh Sóc Trăng hoạt động xa bờ.
Mới đây, Trung ương đã có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện vươn ra xa bờ, phát triển đội tàu vận tải chuyên dụng là chủ trương lớn của Nhà nước, tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành rà soát triển khai. Ngư dân Sóc Trăng hưởng ứng tích cực chính sách hỗ trợ này để vừa khai thác tài nguyên biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.
Trước mắt, tỉnh Sóc Trăng đang đặt ra nhiệm vụ tập trung đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp và dịch vụ gắn liền với thế mạnh kinh tế biển, nhằm phát huy tối đa vai trò của kinh tế biển, phấn đấu trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường vùng biển.
Với những quyết sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngư dân, trang bị phương tiện thông tin để thường xuyên liên lạc với ngư dân, lập đội tàu thuyền tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cho tàu thuyền ngư dân khai thác biển khi có sự cố, thiên tai ngoài biển, sẽ tạo tâm lý yên tâm cho ngư dân Sóc Trăng tiếp tục vươn khơi bám biển, thường xuyên hiện diện trên ngư trường biển, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo của tổ quốc./.