Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu

Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới BHP tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp hội Than thế giới và xem xét lại tư cách thành viên của Phòng Thương mại Mỹ để thể hiện ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu.
Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: abc.net.au)

Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới BHP ngày 19/12 tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp hội Than thế giới (WCA) và xem xét lại tư cách thành viên của Phòng Thương mại Mỹ để thể hiện ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo dài 22 trang của BHP, tập đoàn này đang cân nhắc việc rút khỏi Hiệp hội Than thế giới.

BHP cũng không tán thành quan điểm của Phòng Thương mại Mỹ phản đối Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và cơ chế định giá khí thải carbon. BHP sẽ đưa ra quyết định có rút khỏi 2 tổ chức trên hay không vào tháng 3/2018.

Trong khi đó, BHP tuyên bố vẫn duy trì tư cách thành viên tại Hiệp hội Khoáng sản Australia (MCA), song cảnh báo sẽ ra khỏi tổ chức này nếu MCA không kiềm chế việc sử dụng than đá. Tiêu thụ than đá là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu và ô nhiễm không khí.

Tập đoàn liên doanh Anh-Australia BHP đang xem xét chính sách của các tổ chức mà BHP là thành viên có phù hợp với quan điểm của tập đoàn hay không.

BHP cho rằng để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu cần phải giảm thiểu khí phát thải đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo đó, BHP ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh một cơ chế toàn cầu hiệu quả để giảm thiểu khí phát thải cần phải áp dụng một loạt biện pháp bổ sung bao gồm cả việc định giá khí thải carbon.

Định giá khí thải carbon là cơ chế mà các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 mà họ phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 196 nước thông qua tại Paris (Pháp) cách đây 2 năm. Theo đó, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C nếu có thể, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Tuy nhiên, hiệp định lịch sử về biến đổi khí hậu này đang đối mặt với áp lực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục