Thành lập các trạm Cảnh sát biển trên một số đảo, khu vực nhà giàn DK1, vùng biển phía Nam… là một trong những nội dung, giải pháp được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tập trung thực hiện nhằm phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, với bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn, nhiều năm qua, biển đảo đã mang lại nguồn lợi không nhỏ, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Song, hoạt động ngày càng nhộn nhịp của các ngành kinh tế biển cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống mới phát sinh và tình hình vi phạm, tội phạm trên biển gia tăng đã kéo theo nhiều tác động bất lợi đến môi trường, tài nguyên, thiên nhiên biển, đặc biệt là nguy cơ bất ổn về an ninh, an toàn hàng hải.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, yêu cầu hàng trăm lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên biển với quy mô lớn, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài…
[Cảnh sát biển Việt Nam - Hiệu quả từ sự hiện diện, thực thi pháp luật]
Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp như tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; tiếp tục tập trung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục tham mưu đầu tư mua sắm, hiện đại hóa phương tiện, trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ và cơ sở bảo đảm; không ngừng xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đối với việc tiếp tục tập trung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng này đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại.
Trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực công tác toàn diện, chuyên nghiệp, chuyên sâu, cơ cấu phù hợp giữa các thành phần, lực lượng.
Từng bước nâng cấp các hải đội, hải đoàn, đoàn trinh sát; thành lập các trạm Cảnh sát biển trên một số đảo, khu vực nhà giàn DK1, vùng biển phía Nam,... nhằm phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo…/.