Thanh niên vùng biển tiên phong vì một thế giới không ô nhiễm rác thải

Từ ngày 22/4, thanh niên vùng biển Nam Định sẽ tham gia làm sạch môi trường hưởng ứng Ngày Trái Đất 2018 với chủ đề “Thanh niên tiên phong vì một thế giới không ô nhiễm rác thải nhựa.
Thanh niên vùng biển tiên phong vì một thế giới không ô nhiễm rác thải ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hưởng ứng sự kiện Ngày trái đất 2018 với chủ đề “Thanh niên tiên phong vì một thế giới không ô nhiễm rác thải nhựa, thích ứng biến đổi khí hậu,” từ ngày 22/4, hàng trăm thanh niên sẽ tham gia dọn rác, làm sạch môi trường tại khu vực ven sông Đào - một nhánh của sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Nam Định.

Sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc thu gom rác thải không đổ xuống dòng sông gây tổn hại đến hệ sinh thái, có ghi chép số liệu về thành phần rác và phân loại rác thải nhựa hướng tới tái chế, tái sử dụng.

Theo nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) - đơn vị tổ chức sự kiện, hàng năm, hàng triệu tấn rác thải, bao gồm khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, làm tổn thương sinh vật biển, gây ô nhiễm các bãi biển và gây thiệt hại cho các đô thị ven biển về cảnh quan và kinh tế.

Các thành phần mẩu thuốc lá, túi nhựa, chai nước giải khát, hộp đựng thực phẩm, nắp chai nhựa và ống hút nhựa nằm trong số các thứ được thu thập phổ biến nhất trong số rác thải này. Đây cũng là những vật gây nguy hiểm nhất đối với động vật hoang dã như chim biển và rùa biển.

[Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thể quyết định giao khu vực biển]

Thông thường, các chất nhựa dẻo không thể phân hủy hoàn toàn về mặt sinh học, mà sẽ phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn gọi là nhựa vi sinh. Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu không có hành động toàn cầu phối hợp, cứ ba tấn cá vây đánh bắt, người ta có thể phải hứng chịu một tấn nhựa ở đại dương vào năm 2025.

Chính vì thế, theo MCD, các nỗ lực thu gom phân loại rác thải ở khu vực ven sông của người dân, đặc biệt là vai trò tiên phong của thanh niên vùng đồng bằng sông Hồng là việc làm cần thiết, qua đó cung cấp những thông tin hữu ích về các nguy cơ từ rác trôi sông ra biển, cũng như có những đề xuất chính sách phù hợp.

Hoạt động thu gom phân loại rác thải ở khu vực ven sông của người dân vùng biển Nam Định diễn ra trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tiên phong trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và MCD chủ trì thực hiện.

Dự án này được triển khai với mục tiêu chung là tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cấp huyện, thúc đẩy các sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng hiệu quả, sáng tạo và tăng cường vai trò tiên phong của thanh niên trong công tác ra quyết định và hành động thích ứng biến đổi khí hậu.

Dự án “Thanh niên tiên phong trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng” được USAID tài trợ và thực hiện trong giai đoạn 2015-2018 tại 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng là Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục