Thanh tra không đủ nghiệp vụ phát hiện sai phạm, tiêu cực đăng kiểm

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá công tác thanh kiểm tra hoạt động đăng kiểm là một trong các nguyên nhân xảy ra sai phạm ở trong các trung tâm đăng kiểm vừa qua.
Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trần tình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 8/6 về nguyên nhân xảy ra sai phạm, tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm cũng như công tác thanh tra vẫn còn nhiều tồn tại.

Bộ trưởng Thắng nhìn nhận một trong những nguyên nhân xảy ra sai phạm khi xã hội hóa hàng loạt các trung tâm đăng kiểm là không phản ứng kịp thời khi các quy định pháp luật thay đổi liên quan đến hoạt động đăng kiểm.

Giải thích rõ hơn, theo ông Thắng, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 139 quy định hoạt động đăng kiểm của các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nên các quy hoạch chuyên ngành không còn hiệu lực và phải áp dụng luật mới nhất.

Chính điều này được ông Thắng khẳng định các trung tâm đăng kiểm ở địa phương nở rộ, chỉ 2 năm (2019-2021) đã tăng lên đến 281 trung tâm đăng kiểm, vượt quy hoạch mạng lưới đăng kiểm cho tới năm 2030 và dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực.

[Khi nào sẽ mở lại toàn bộ các trung tâm, dây chuyền đăng kiểm?]

Nhấn mạnh Bộ Giao thông Vận tải đã nhận diện được vấn đề này nên trong Nghị định 139 sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa yếu tố kiểm soát mở các trung tâm đăng kiểm ở các địa phương và giao quyền cấp phép mở giao cho sở giao thông vận tải các tỉnh, thành đồng thời siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.

Thẳng thắn đánh giá công tác thanh kiểm tra hoạt động đăng kiểm là một trong các nguyên nhân xảy ra sai phạm ở trong các trung tâm đăng kiểm vừa qua, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cho rằng với hoạt động đăng kiểm thì tương đối khép kín, nên khi thanh tra vào kiểm tra chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Trong khi các sai phạm vi phạm không nằm trong hồ sơ mặc dù hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

“Vừa qua, ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi đã yêu cầu thanh tra đối với đăng kiểm và cấp phép đào tạo sát hạch lái xe,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Thanh tra không đủ nghiệp vụ phát hiện sai phạm, tiêu cực đăng kiểm ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.( Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải đã phân tích kỹ và nhận thấy các tồn tại về lỗ hỗng trong công nghệ thông tin, hệ thống đăng kiểm có trung tâm công nghệ thông tin để thực hiện việc kiểm tra tự động các yếu tố môi trường của phương tiện nhưng phần mềm này đã bị lợi dụng.

“Các trung tâm đăng kiểm sử dụng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu và nếu thanh tra nghiệp vụ bình thường thì không thể phát hiện được sai phạm. Ngoài ra, tiêu cực về nhận tiền, tham ô tham nhũng ở ngoài nên đó là khó khăn cho công tác thanh tra. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công tác thanh tra trong thời gian là chưa hết trách nhiệm đó là đi kiểm tra có thực chất hay không? Đã nâng cao được năng lực, trình độ của các thanh tra viên chưa? Công tác thanh tra trong hoạt động đăng kiểm là chưa đạt yêu cầu,” ông Thắng nói rõ.

Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, theo Bộ trưởng Thắng, hiện có 3 vòng kiểm soát công tác đăng kiểm gồm Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Cục Đăng kiểm Việt Nam và Thanh tra sở giao thông vận tải các địa phương. Nghị định 139 cũng quy định rõ thẩm quyền của sở giao thông vận tải trong quản lý thanh kiểm tra trung tâm đăng kiểm và phân cấp toàn bộ cấp phép cho địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng siết chặt ban hành nghị định, thông tư là điều kiện cơ sở trong thời gian tới để công tác thanh tra hoàn chỉnh và trách nhiệm cá nhân thực hiện tốt hơn, tách bạch chức năng Cục Đăng kiểm Việt Nam về quản lý Nhà nước ra khỏi dịch vụ công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục