Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung luật phòng chống HIV/AIDS

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung những nội dung trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung luật phòng chống HIV/AIDS ảnh 1Toàn cảnh phiên họp sáng 23/10. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho biết được ban hành năm 2006, trong quá trình tổ chức thực hiện, đến nay Luật Phòng, chống HIV/AIDS có nhiều nội dung không còn phù hợp và Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung những nội dung trong Luật.

[Việt Nam trong số 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất]

Hồ sơ này cũng đủ điều kiện để thông qua tại một Kỳ họp, có thể rút ngắn quy trình cơ bản.

“Về vấn đề này, hầu hết đại biểu và cá nhân tôi cũng đồng tình quan điểm cần thông qua tại một kỳ họp đối với dự án Luật này,” bà Hoàng Thị Hoa nêu ý kiến.

Đánh giá các đại biểu đều nhận xét nội dung chỉnh sửa, bổ sung của dự án luật theo hướng tinh gọn, rõ ràng, bà Hoàng Thị Hoa nêu quan điểm: việc sửa đổi, bổ sung của dự án Luật cần có quy định đảm bảo cho những người nhiễm HIV/AIDS được sống trong một môi trường tốt nhất đối với họ. Ở đó, họ biết cách phòng, chống lây nhiễm cho người khác.

Người nhiễm HIV/AIDS có quyền dân chủ, quyền bình đẳng với mọi người, không có sự kỳ thị, phân biệt.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng người nhiễm HIV/AIDS cũng cần có trách nhiệm, chủ động không để lây nhiễm cho người khác.

Về Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Chính phủ đề xuất, do việc đóng góp vào quỹ thời gian vừa qua là quá ít nên bỏ quỹ này để tới đây sẽ nhập vào quỹ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chung.

Một số đại biểu đồng tình việc bỏ Quỹ nhưng một số đại biểu đề nghị duy trì Quỹ để đảm bảo cho những hoạt động đặc thù này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng việc tuyên truyền đóng góp nguồn kinh phí vào Quỹ này còn có sự mặc cảm, định kiến đối với những người nhiễm HIV/AIDS.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức, làm thế nào để khi nguồn kinh phí này được nhập vào quỹ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chung hoặc quỹ riêng nhưng phải tập trung nguồn trong nước, đảm bảo hoạt động này trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài ngày càng giảm.

Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung luật phòng chống HIV/AIDS ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đại biểu, Luật cũ ra đời đã đáp ứng các diễn biến mới của bệnh dịch này.

Sau 20 năm, Việt Nam đã thu được rất nhiều thành quả trong việc phòng, chống HIV/AIDS, được coi là một trong những nước thành công trong công tác chống đại dịch trên thế giới.

“Luật sửa đổi sẽ có vai trò rất quan trọng để chúng tôi có thể định hướng áp dụng trong điều trị, đặc biệt là phòng, chống dịch và đưa được mục tiêu quan trọng nhất đối với công cuộc phòng, chống đại dịch này là việc lây nhiễm từ mẹ sang con sẽ chấm dứt trong những năm tới đây,” đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Cũng theo đại biểu hiện nay các tổ chức trên thế giới hỗ trợ viện trợ cho những người HIV/AIDS đang ngày càng giảm. Việt Nam cần tìm những nguồn lực từ trong nước để phòng, chống, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về quy định việc khám chữa bệnh cho bà mẹ mang thai xét nghiệm HIV được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với những người có thẻ bảo hiểm y tế, trường hợp khác được miễn phí, đại biểu cho rằng việc đồng chi trả là hướng đi đúng. Ban soạn thảo đã đưa ra quy định rất rõ ràng và giao cho Bộ Y tế quy định chi tiết trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu băn khoăn đối với việc vẫn còn có ý kiến muốn dự luật này được thông qua theo lộ trình 2 kỳ họp; bày tỏ mong muốn các đại biểu thống nhất và thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp thứ 10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục