Mọi sự chú ý đang đổ dồn về hệ thống ngân hàng của Hy Lạp sau khi Athens quyết định mở cửa lại sàn chứng khoán vào ngày 3/8, sau 5 tuần đóng cửa vì tác động của cuộc khủng hoảng nợ.
Các nhà môi giới dự báo chỉ số chứng khoán của Hy Lạp sẽ giảm mạnh, có thể lên tới 20%.
Quyết định của “xứ sở các vị thần” được đưa ra sau khi các kiểm toán viên cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có cuộc họp đầu tiên với các bộ trưởng Hy Lạp liên quan đến gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) mà các chủ nợ dành cho Athens.
Trước đó, những bế tắc xung quanh quá trình đàm phán về gói cứu trợ mới đã khiến hệ thống ngân hàng của Hy Lạp lao đao trước làn sóng thoái vốn mạnh mẽ của người dân. Theo Hiệp hội ngân hàng Hy Lạp, các ngân hàng của nước này đã bị các khách hàng rút lượng tiền lên tới 40 tỷ euro (44 tỷ USD) kể từ tháng 12 năm ngoái.
Một báo cáo được công bố ngày 2/8 cho hay bốn ngân hàng lớn nhất Hy Lạp, bao gồm National Bank, Ngân hàng Piraeus, Ngân hàng Alpha và Eurobank, sẽ thực hiện một cuộc đánh giá chất lượng tài sản trong tháng Tám, theo sau là một bài sát hạch độ tin cậy vào mùa Thu để xác định nhu cầu tái cấp vốn cho mỗi ngân hàng trong khuôn khổ gói cứu trợ của châu Âu. Các quan chức Hy Lạp hy vọng những bài sát hạch trên sẽ được hoàn thiện trước khi các quy định mới của châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi đó, các cổ đông ngân hàng và người gửi tiền sẽ phải đóng góp một phần chi phí tái cấp vốn thay vì những người dân châu Âu.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ lại rơi vào vòng suy thoái trong tài khóa 2015, đi cùng với đó là mối lo Hy Lạp tiếp tục bị mất vốn khi các nhà đầu tư không tin tưởng vào đà phục hồi của quốc gia này. Trong bối cảnh đó sự tồn tại của các ngân hàng Hy Lạp bị đe dọa. Theo tiết lộ của một tờ báo ở Athens thân với chính quyền, Hy Lạp cần 10 tỷ euro để tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Hy Lạp đã quyết định đóng cửa các ngân hàng từ tối 28/6 và áp đặt kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính sau khi các cuộc đàm phán giữa Athens với các chủ nợ quốc tế rơi vào bế tắc.
Động thái này được đưa ra vào thời điểm Hy Lạp đang tiến gần hơn tới nguy cơ phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi tiến trình đàm phán về gói cứu trợ giữa nước này với các chủ nợ châu Âu rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên sau đó ngày 13/7, sau nhiều giờ đàm phán cam go, Hy Lạp cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về chương trình cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) với các nước thành viên Eurozone./.