Phiên thứ Sáu ngày 22/1 cũng là phiên thứ hai liên tiếp màu xanh bao phủ trên khắp các sàn chứng khoán toàn cầu, nhờ giá dầu tăng lên và nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng một số ngân hàng trung ương lớn sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế mới.
Đóng cửa phiên 22/1, cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng điểm mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 210,83 điểm (1,33%) lên chốt tuần ở 16.093,51 điểm; S&P 500 bật 37,91 điểm (2,03%) lên 1.906,90 điểm và Nasdaq Composite tăng 119,12 điểm (2,66%) l ên 4.591, 18 điểm.
Cùng ngày tại châu Âu, ba thị trường chứng khoán chính tại Anh, Pháp, Đức chốt phiên cũng lần lượt tăng mạnh ở các mức 2,2%; 3,1% và 2,0%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản còn tăng mạnh hơn, ở mức 5,88%; song tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn để mất 1,10%.
Thổi luồng không khí phấn khích vào các thị trường chứng khoán toàn cầu trong hai phiên cuối tuần, đặc biệt là phiên tăng vững chắc cuối cùng trong tuần là việc giá dầu đã chấm dứt đà giảm và đi lên trên mốc 30 USD/thùng, khép lại tuần ở mức 32,19 USD/thùng.
Thêm vào đó là những tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới vào tháng Ba tới.
Tương tự, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đang xem xét việc bổ sung thêm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó với nỗi lo giảm phát.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để nói những ngày “tăm tối” của thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua đã kết thúc.
Theo chuyên gia phân tích David Levy tại Republic Wealth Advisors , để có thể tiếp tục hồi phục từ những “trận gió ngược” khắc nghiệt vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung rất cần sự ổn định của thị trường dầu mỏ cũng như của thị trường chứng khoán Trung Quốc./.