Thị trường lao động tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Tại Mỹ, tuyển dụng khu vực tư nhân trong tháng 2/2023 đã tăng 242.000 việc làm, gần gấp đôi con số của tháng Một, trong khi trong khi lương vẫn trên đà tăng với mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lao động tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” ảnh 1Người lao động tới hội chợ việc làm tại một trung tâm ở Washington (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn trong đầu năm 2023, số liệu do công ty khảo sát ADP công bố ngày 8/3 cho thấy tuyển dụng lao động ở nước này đang gia tăng.

Tuyển dụng khu vực tư nhân trong tháng Hai vừa qua đã tăng 242.000 việc làm - nhiều hơn dự kiến và gần gấp đôi con số 119.000 của tháng Một, trong khi lương vẫn trên đà tăng, với mức tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước - theo báo cáo mới nhất của ADP.

Khảo sát cũng cho thấy số lao động thay đổi công việc giảm xuống 14,3%.

Báo cáo lưu ý việc làm tăng ổn định và tăng trưởng tiền lương vẫn cao.

Đa số người lao động tìm được việc làm trong ngành dịch vụ, đặc biệt là giải trí và khách sạn, cũng như ngành tài chính trong tháng Hai vừa qua. Chỉ có số việc làm tại các cơ sở nhỏ lẻ đặc biệt thấp do việc làm đã giảm hằng tháng kể từ tháng Tám năm ngoái.

Việc tăng tuyển dụng khu vực tư nhân có lợi cho nền kinh tế và người lao động, song tốc độ tăng lương vẫn khá cao. Tốc độ tăng lương ở mức vừa phải không làm giảm nhanh lạm phát trong ngắn hạn - chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADP, bà Nela Richardson, nhận định.

Cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi một loạt các chỉ số được đưa ra gần đây phản ánh mức độ tuyển dụng vẫn tăng mạnh, chi tiêu ổn định và lạm phát còn kéo dài - theo giới chuyên gia.

[Thị trường việc làm tại Mỹ trước nghịch lý hậu đại dịch]

Trong một báo cáo kinh tế công bố ngày 8/3, Fed cho biết mức tăng giá cả vừa phải tại nhiều khu vực của Mỹ, tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn lan rộng trong thời gian gần đây.

Thị trường lao động duy trì ổn định ở mức tăng nhỏ đến vừa ở đa số các khu vực, mặc dù một số công ty đóng băng tuyển dụng và báo cáo sa thải.

Một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hồi tháng Một cũng cho thấy cơ hội việc làm giảm, tuy nhiên mức giảm quá nhỏ để hạ nhiệt thị trường lao động và giảm lạm phát - chuyên gia Matthew Martin của hãng Oxford Economics cho hay.

Tỷ lệ thất nghiệp trên mỗi cơ hội việc làm giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức thị trường lao động. Người lao động vẫn đi tìm công việc mới trong khi nhà tuyển dụng không muốn sa thải người lao động làm việc trước đó.

Thực trạng trên diễn ra bất chấp việc Fed đã tám lần tăng lãi suất kể từ đầu năm 2022 nhằm kìm hãm đà tăng giá cả và giảm bớt nhu cầu tuyển dụng.

Các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng nâng lãi suất cao hơn dự kiến trước đây nếu cần để hạ nhiệt lạm phát và kìm hãm thị trường việc làm đang tăng mạnh - Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 7/3 cho biết.

Thị trường lao động tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” ảnh 2Người tìm việc xếp hàng tại Hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, các báo cáo việc làm hồi tháng Hai đã cho thấy “nghịch lý” trên thị trường việc làm Mỹ - điều khiến cho việc dự báo tình hình kinh tế Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Cụ thể, tình trạng cắt giảm việc làm vẫn tiếp tục tại một số tập đoàn lớn nhất của Mỹ, nhưng số khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Các tập đoàn công nghệ Meta, Amazon và Microsoft, cùng với các công ty, từ Disney tới Zoom, đã thông báo cắt giảm lao động trong vài tuần qua.

Các công ty tại Mỹ đã cắt giảm tổng cộng gần 103.000 việc làm trong tháng Một, nhiều nhất kể từ tháng 9/2020 - theo một báo cáo của công ty hỗ trợ tìm việc Challenger, Gray & Christmas.

Cũng trong tháng Một, các công ty tuyển dụng 517.000 việc làm, gần gấp ba lần con số mà các nhà phân tích nhận định.

Tình hình trên một phần là do tác động khó lý giải của đại dịch - mgười phụ trách chiến lược toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, David Kelly, nhận định.

Một số nhà phân tích và kinh tế cảnh báo việc một số lĩnh vực vẫn yếu, tình hình tài chính của các gia đình khó khăn, tiền tiết kiệm giảm và lãi suất cao có thể khiến tình trạng cắt giảm lao động diễn ra ở các lĩnh vực khác, nhất là khi lương không theo kịp lạm phát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục