Thiếu hụt chip điện tử tác động lớn đến ngành công nghiệp ôtô

Ngành công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn đang đầu tư khoảng 2 tỷ USD/tuần nhằm tăng 50% sản lượng, song vẫn không đủ nguồn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.
Thiếu hụt chip điện tử tác động lớn đến ngành công nghiệp ôtô ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Ông Simon Segars, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn ARM Holdings chuyên sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu thế giới, cho biết tình trạng thiếu hụt vi mạch (chip) điện tử gây khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô và tình trạng này sẽ kéo dài đến cuối năm 2022. 

Ông Simon Segars nêu rõ ngành công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn đang đầu tư khoảng 2 tỷ USD/tuần nhằm tăng 50% sản lượng, song vẫn không đủ nguồn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề trong ngắn hạn,” đồng thời cho biết tình trạng thiếu hụt này chưa từng xảy ra trong lịch sử đối với ngành công nghiệp bán dẫn và nhiều đơn đặt hàng bị chậm trễ kéo dài hơn một năm.

Ông Segars cũng nhấn mạnh thêm rằng tình trạng thiếu hụt chip điện tử sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất ôtô và cản trở quá trình sản xuất khoảng 7,7 triệu xe hơi trong năm 2021.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang lâm vào tình trạng quá tải khi lượng khách hàng đặt mua các thiết bị điện tử trong thời kỳ dịch COVID-19 tăng mạnh.

[Ngành công nghiệp ôtô tiếp tục điêu đứng vì thiếu hụt chip bán dẫn]

Bên cạnh nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các biện pháp giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng tác động không nhỏ tới quá trình sản xuất chất bán dẫn, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt chip điện tử.

Sự khan hiếm chip đã trở thành một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp ôtô, nhất là khi sản xuất những chiếc ôtô mới ngày càng cần nhiều thứ tinh vi và phức tạp hơn.

Theo ước tính, một chiếc ôtô trung bình có khoảng 50 đến 150 con chip được sử dụng để làm cho phương tiện thông minh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục