Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nỗ lực hòa giải giữa Qatar và các nước Arab

Ngày 6/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm với lãnh đạo các nước Qatar, Nga, Kuwait, Saudi Arabia nhằm tìm giải pháp xoa dịu căng thẳng sau khi các cường quốc Arab cắt đứt quan hệ với Qatar.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nỗ lực hòa giải giữa Qatar và các nước Arab ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 6/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm với lãnh đạo các nước Qatar, Nga, Kuwait và Saudi Arabia nhằm tìm giải pháp xoa dịu căng thẳng sau khi các cường quốc Arab cắt đứt quan hệ cùng Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo.

Các nguồn tin từ Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nội dung điện đàm nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực, cũng như nhấn mạnh vai trò của các biện pháp ngoại giao và đối thoại trong việc làm giảm căng thẳng hiện nay.

[Nguồn gốc và dự báo tương lai căng thẳng ngoại giao với Qatar]

Ngày 5/6, Saudi Arabia, Yemen, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã lần lượt cắt đứt quan hệ với Qatar, tạo ra tình trạng rạn nứt quan hệ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa một số quốc gia hùng mạnh nhất của thế giới Arab.

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt đẹp với Qatar cũng như một số quốc gia vùng Vịnh láng giềng của Doha.

Sau cuộc họp nội các hôm 5/6, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cũng cho biết Ankara muốn giúp giải quyết mối bất đồng này.

Một số quốc gia khác cũng đã lên tiếng kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Điện Kremlin cho biết Nga cũng kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và thỏa hiệp. Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ tìm cách xoa dịu tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh.

Trong một diến biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nhận định của một số chuyên gia chính trị Ai Cập cho biết việc một số quốc gia Arab chấm dứt quan hệ với Qatar, quốc gia giàu tài nguyên khí đốt, có thể là một khởi đầu của việc cô lập khu vực đối với Doha.

Cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Hussein Hariedy cho rằng các biện pháp này đã được đưa ra sau những nỗ lực hòa giải bất thành tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới Arab-Mỹ diễn ra hồi tháng trước.

Qatar không muốn thay đổi chính sách, dẫn tới việc các nước vùng Vịnh phải cắt mọi quan hệ với Doha.

Theo ông Hariedy, "những quyết định này sẽ khiến Qatar bị cô lập tại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL)."

Bên cạnh đó, người dân nước này cũng sẽ phải chịu những tác động mạnh vì Qatar nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất có chung biên giới với Doha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục