Thời khắc để cho thấy ASEAN thống nhất như một gia đình

Nếu các nhà lãnh đạo ASEAN duy trì lập trường về vấn đề gai góc ở Biển Đông và có lập trường thống nhất đối với UNCLOS, COC và phán quyết của PCA năm 2016, đó sẽ là một hành động mang tính cách mạng.
Thời khắc để cho thấy ASEAN thống nhất như một gia đình ảnh 1(Nguồn: theaseanpost.com)

Theo trang eurasiareview.com, chín nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tập trung tại Bandar Seri Begawan, Brunei, từ ngày 26 đến ngày 28/10 để thảo luận về việc khôi phục sau đại dịch COVID-19, vấn đề Biển Đông, an ninh khu vực và các chủ đề khác.

Tại cuộc họp khẩn hôm 15/10 ở Brunei, các ngoại trưởng ASEAN, trừ Myanmar, đã nhất trí không mời Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Đây là một quyết định lịch sử và chưa từng có tiền lệ, cho thấy rõ ràng ASEAN đang đoàn kết.

Với sức mạnh hải quân ngày càng tăng, Trung Quốc hiếu chiến đã quấy rối các quốc gia ven biển, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia, trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế và vùng trời của các quốc gia khác.

Phớt lờ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông và biến một số đảo trong số đó thành các căn cứ quân sự. 

Hôm 4/10, Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia để truyền đạt lập trường của Malaysia và phản đối sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc, bao gồm cả một tàu khảo sát, trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.

Bộ Ngoại giao Malaysia cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp địa phương và quốc tế ngoài khơi các bang Sabah và Sarawak.

[Củng cố đoàn kết, tin cậy, hiểu biết và vai trò trung tâm của ASEAN]

Tháng 6 vừa qua, Malaysia đã điều các máy bay chiến đấu để đánh chặn 16 máy bay chiến đấu của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi Borneo trên Biển Đông.

Malaysia cho rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền của nước này, trong khi Trung Quốc cho rằng đây là hoạt động huấn luyện định kỳ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết: “Lập trường và các hành động nhất quán của Malaysia dựa trên luật pháp quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trong vùng biển của chúng tôi.”

Hôm 30/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã chỉ thị cho cấp dưới của ông gửi công hàm chính thức phản đối Trung Quốc sau khi quốc gia này triển khai hơn 100 tàu trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây. (Manila gọi Biển Đông là Biển Tây).

Ông Locsin yêu cầu “Gửi ngay công hàm phản đối của chúng ta về việc Trung Quốc không ngừng ngăn cản một cách bất hợp pháp ngư dân Philippines tiến hành các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp ở Bajo de Masinloc” - tên Philippines gọi Bãi cạn Scarborough. Manila coi bãi cạn Scarborough, rạn san hô cách 118 hải lý (218,5km) về phía Tây của đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, nằm trong khu vực 200 hải lý thuộc EEZ.

Trong các dòng tweet khác, Locsin đã ra lệnh phản đối “những tuyên bố thách thức của phía Trung Quốc, được đưa ra một cách bất hợp pháp nhằm chống lại các cuộc tuần tra hàng hải của Philippines” cũng như “sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc gần Đá Khúc Giác (Iroquois Reef)”.

Trung Quốc thậm chí còn không tha cho Indonesia, một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Kể từ cuối tháng 8 vừa qua, tàu Haiyang Dizhi 10 - tàu khảo sát trọng tải 3.400 tấn của Trung Quốc - đã hoạt động trong EEZ của Indonesia ở biển Natuna, phía Bắc quốc gia vạn đảo này. Tàu Trung Quốc mới chỉ rời đi gần đây. Không rõ con tàu đã làm gì trong hơn một tháng ở EEZ của Indonesia.

Trong khi đó, một tàu thăm dò khác của Trung Quốc là Da Yang Hao hiện đang hoạt động ở khu vực chạy qua các đặc khu kinh tế của Brunei, Malaysia và Philippines. Năm ngoái, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá của Việt Nam, một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án.

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, tất cả các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và các nước khác “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Họ cũng cho rằng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, phải là cơ sở cho việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp” ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông dựa theo bản đồ “Đường 9 đoạn” gây tranh cãi. Trong một phán quyết năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye đã tuyên bố rằng bản đồ “Đường 9 đoạn” là không có giá trị pháp lý vì Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS.

Trang web IPDForum mới đây đã đăng bài của chuyên gia hàng hải Tom Abk phân tích về các vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông. Abke nói: “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đã ghi nhận 89 cuộc xâm nhập của tàu chính phủ Trung Quốc vào vùng biển Malaysia từ năm 2016 đến năm 2019; vụ các tàu Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp trong EEZ của Indonesia, bao gồm vụ việc xảy ra hồi tháng 1/2020 liên quan đến khoảng 50 tàu thuyền ngoài khơi đảo Natuna Besar của Indonesia; và các vụ tàu Trung Quốc đâm và đánh chìm các tàu cá của Philippines và Việt Nam hồi tháng 6/2019 và tháng 4/2020;” “Ngoài ra, Việt Nam buộc phải trả 1 tỷ USD cho các công ty dầu khí nước ngoài sau khi Trung Quốc gây sức ép buộc nước này phải hủy bỏ các hoạt động khoan và thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.”

Tuyên bố rằng Biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh đã cử tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay, qua Biển Đông để khẳng định các quyền quốc tế về tự do hàng hải và hàng không.

Bắc Kinh đã phản ứng tức giận với Mỹ và các quốc gia đồng minh. Đô đốc James Stavridis, cựu chỉ huy NATO, trong một bài báo đăng trên trang web của Nikkei Asia nhận định: “Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chống lại các tàu chiến Mỹ bằng những tín hiệu gây hấn; chiếu sáng các tàu Mỹ bằng radar điều khiển hỏa lực, đe dọa sử dụng vũ khí; và bay qua ở cự ly rất gần;” “Trung Quốc đang tích cực mở rộng hạm đội tàu chiến vượt đại dương và kho tên lửa hành trình siêu thanh “sát thủ tàu sân bay” và cải tiến công nghệ tàu ngầm. Tất cả những điều này giúp họ thêm tự tin trong việc đáp trả các cuộc tuần tra của Mỹ.”

Hiện Mỹ quyết tâm hơn trong việc thách thức hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua việc xoay trục chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ (Đối thoại An ninh Bộ tứ) vào tháng trước với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Bốn nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ đã bày tỏ hết sức ủng hộ đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Nhóm Bộ tứ muốn làm việc với ASEAN để tạo ra một cấu trúc an ninh dựa trên các quy tắc.

Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore mong muốn tất cả các nước tuân theo các quy định của UNCLOS. Điều quan trọng là duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong và trên Biển Đông.

Họ muốn tất cả các bên ở Biển Đông tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, cũng như tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Các quốc gia trên muốn có một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và bền vững với Trung Quốc ở Biển Đông. COC phải dựa trên các quy tắc hàng hải quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Vì Nhóm Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự, Mỹ, Anh và Australia hồi tháng trước đã công bố hiệp ước an ninh ba bên có tên AUKUS, trong đó có thỏa thuận cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, quốc gia đóng một vai trò tích cực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhóm Bộ tứ và AUKUS đều được tạo ra để thách thức sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, ASEAN phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang ráo riết “ve vãn”ASEAN.

Thay vì đứng về một phía, ASEAN phải duy trì sự độc lập chiến lược và ở vị trí dẫn dắt. Vì vậy, ASEAN rất cần sự thống nhất. ASEAN là một gia đình và cộng đồng. Tất cả các quốc gia cần bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ đầy đủ đối với tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông. Một số quốc gia thành viên nhỏ của ASEAN không nên đi ngược lại các mục của ASEAN. Ngoài ra, ASEAN nên đặt ra các tiêu chuẩn mới và trừng phạt các quốc gia thành viên vi phạm.

ASEAN đã gây ra làn sóng chấn động trên thế giới khi quyết định không mời nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 tại Brunei. Nếu các nhà lãnh đạo ASEAN duy trì lập trường tương tự về vấn đề gai góc ở Biển Đông và có lập trường thống nhất đối với UNCLOS, COC và phán quyết của PCA năm 2016, đó sẽ là một hành động mang tính cách mạng.

Đã đến lúc ASEAN và các nhà lãnh đạo cho thấy một ASEAN đoàn kết và thống nhất như một gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục