Thông tin mới về sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở Sơn La

Các bệnh nhân ở Sơn La nhập viện vào rạng sáng 6/6 trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, da xanh tái, niêm mạc hồng nhạt và đau bụng quanh rốn.
Thông tin mới về sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở Sơn La ảnh 1Bác sỹ thăm khám và điều trị cho công nhân trong một vụ nghi ngộ độc thức ăn. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vừa cấp cứu thành công 7 bệnh nhân bị ngộ độc nấm, trú tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đã cơ bản ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân Vừ Thị Ly (24 tuổi) cho biết khoảng 11 giờ ngày 5/6, sau khi đi làm nương, nhóm 9 người cùng ăn trưa tại lán. Bữa ăn gồm cơm, rau cải và một bát canh nấm.

Ăn xong khoảng 30 phút, mọi người bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn và đi ngoài. Ngay lập tức, 9 người được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu.

Sau khi xét nghiệm bị ngộ độc nấm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu đã làm thủ tục chuyển tuyến cho 7 bệnh nhân có triệu chứng nặng gồm 4 người lớn, 3 trẻ em.

Theo bác sỹ Lương Bảo Chung, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, các bệnh nhân nhập viện vào rạng sáng 6/6 trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, da xanh tái, niêm mạc hồng nhạt và đau bụng quanh rốn.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã khẩn trương tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch thải độc bằng phương pháp tăng cường bài niệu.

[Gia đình 4 người nhập viện vì ngộ độc nấm, cháu bé 4 tuổi tử vong]

Tính đến 19 giờ ngày 6/6, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đã cơ bản ổn định, trong đó 5 người được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và chống độc, 2 người được giữ lại theo dõi tình trạng sức khỏe tại Khoa Cấp cứu. Dự kiến, các bệnh nhân sẽ được xuất viện trong ngày 7/6.

Đây là ca ngộ độc nấm tập thể đầu tiên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La từ đầu mùa Hè năm 2018.

Các bệnh nhân cho biết số nấm sử dụng trong bữa trưa ngày 5/6 được hái từ rừng Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Mùa Hè là thời điểm các loại nấm phát triển. Tuy nhiên, người dân không thể dựa vào hình thái, màu sắc của cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Do đó, bác sỹ Lương Bảo Chung khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng các loại nấm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Trong trường hợp không may ăn phải nấm nghi có độc, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ kịp thời xử lý, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục