Thông tin Mỹ giảm dự trữ dầu khiến giá 'vàng đen' tăng tại châu Á

Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước là yếu tố đẩy giá dầu châu Á phục hồi trong phiên 1/7.
Một nhà máy lọc dầu tại Ulsan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 414km về phía Đông Nam. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Một nhà máy lọc dầu tại Ulsan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 414km về phía Đông Nam. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trong chiều 1/7 sau khi có thông tin các kho dự trữ dầu thô ở Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến, cho thấy nhu cầu đang được cải thiện ngay cả khi dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới.

Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 31 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 41,58 USD/thùng vào lúc 13 giờ 32 phút (theo giờ Việt Nam) sau khi đã giảm hơn 1% trong phiên 30/6.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 35 xu Mỹ (khoảng 0,9%) lên 39,62 USD/thùng. Hồi phiên trước đó, giá loại dầu này đã giảm 1,1%.

Yếu tố chính tác động tới thị trường trong phiên này là báo cáo do Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố vào cuối ngày thứ Ba (30/6) cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước, trong khi lượng dự trữ sản phẩm qua chưng cất tăng.

Cụ thể, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 8,2 triệu thùng xuống còn 537 triệu thùng, vượt xa dự báo của các nhà phân tích là giảm 710.000 thùng.

[Giá dầu châu Á ghi nhận phiên giảm thứ hai liên liên tiếp]

Ông Avtar Sandu, chuyên gia cao cấp về thị trường hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư Phillip Futures, nói rằng giới đầu tư sẽ theo dõi để xem liệu báo cáo công bố vào ngày 1/7 (giờ địa phương) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) xác nhận số liệu từ API.

Nếu điều này xảy ra, giá dầu thô sẽ tăng cao hơn bất chấp mối lo ngại ngày càng tăng về đà lây lan của dịch COVID-19.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu trong phiên này là sản lượng tháng Sáu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ.

Khảo sát mới đây của hãng tin Reuters cho thấy 13 nước thành viên OPEC đã sản xuất trung bình 22,62 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6/2020 sau khi họ đồng ý cắt giảm sản lượng.

Con số trên thấp hơn khoảng 1,92 triệu thùng/ngày so với số liệu đã điều chỉnh của tháng Năm.

Công ty tư vấn ING Economics cho hay sản lượng giảm đồng nghĩa là OPEC đã tuân thủ quá mức thỏa thuận vào tháng Sáu, với mức độ tuân thủ đạt 107%.

Tuy nhiên, ING Economics lưu ý rằng việc tuân thủ quá mức diễn ra sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait tiến hành cắt giảm sản lượng bổ sung.

ING Economics tỏ ra thận trọng rằng có khả năng việc tuân thủ sẽ giảm trở lại vào tháng Bảy, trừ khi có sự cải thiện đáng kể trong việc tuân thủ kế hoạch từ Iraq và Nigeria.

Giới chuyên gia dự báo vào cuối năm nay, giá dầu nhiều khả năng sẽ khó tăng cao hơn khi thị trường thế giới dư dôi nguồn cung quá nhiều với việc COVID-19 khiến nhu cầu nhiên liệu giảm khoảng 1/3.

Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters nhận định rằng giá dầu sẽ đứng vững ở mức khoảng 40 USD/thùng trong năm nay, với khả năng giá sẽ phục hồi trong quý 4/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục