Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các địa phương của Ấn Độ

Hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn giữ được tốc độ phát triển cao trong 2 thập kỷ qua vì hai nền kinh tế có sự bổ sung tốt cho nhau.
Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các địa phương của Ấn Độ ảnh 1Khách tham quan gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ Dệt may Quốc tế Ấn Độ 2022. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thương vụ - Đại sứ quán (Đại sứ quán) Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) ngày 17/6 đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư giữa các tỉnh Việt Nam và bang Andhra Pradesh dưới hình thức trực tuyến.

Tham dự hội nghị, về phía Ấn Độ, có ông Neeraj Sarda, Chủ tịch CII bang Andhra Pradesh, bà Neelima Challagulla, Chủ tịch CII khu vực Vijayawada; về phía Việt Nam có ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng; đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam cùng hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ.

Tại Hội nghị, ông Neeraj Sarda giới thiệu Andhra Pradesh là bang lớn thứ 7 Ấn Độ về diện tích và dân số có khoảng 50 triệu người, nằm ở phía Đông Ấn Độ, có cảng Visakhapatnam là cảng biển thương mại và quân sự quan trọng hàng đầu Ấn Độ.

Năm 2020-2021, GDP của Andhra Pradesh đạt 141 tỷ USD. Năm 2015-2016, Andhra Pradesh đứng đầu Ấn Độ về mức độ thuận lợi kinh doanh và liên tục nằm trong top hàng đầu các năm gần đây.

[Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch]

Andhra Pradesh đứng đầu cả nước về sản xuất gia vị và đứng thứ tư về sản xuất thịt và sữa, đóng góp 24% sản lượng cá và 65% sản lượng tôm của Ấn Độ.

Ngành công nghiệp nổi bật của bang là sản xuất ôtô, xe điện, chiếm 10% sản lượng ôtô xuất khẩu của Ấn Độ, sản xuất đồ điện tử (chiếm 10% sản lượng toàn quốc), dệt may (đứng thứ 7 về sản xuất bông và thứ 2 về sản xuất lụa thô).

Ngoài ra, bang còn có thế mạnh về lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học, chiếm 16% giá trị sản xuất của Ấn Độ với 4 khu kinh tế đặc biệt dành riêng cho dược phẩm và công nghệ sinh học.

Ông xác định nông, thủy sản và dược phẩm chính là các lĩnh vực mà các tỉnh của Việt Nam và Andhra Pradesh có thể hợp tác.

Về phía Việt Nam, các đại biểu đã trình bày khái quát về nền kinh tế Việt Nam với những thế mạnh về vị trí địa lý, thể chế và sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Đồng thời các diễn giả chỉ ra những lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác với bang Andhra Pradesh.

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng nhấn mạnh hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn giữ được tốc độ phát triển cao trong 2 thập kỷ qua vì hai nền kinh tế có sự bổ sung tốt cho nhau.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong năm tài chính 2021-2022 (tháng 4/2021-3/2022), tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 14,13 tỷ USD, tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt mục tiêu 15 tỷ USD do lãnh đạo 2 nước đặt ra trong thời gian tới.

Những nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ là ngành hàng điện tử, điện thoại, thiết bị điện tử, hải sản. Về phía Ấn Độ, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Việt Nam gồm hải sản, dệt may, dược phẩm.

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Nam (IPCS), đã giới thiệu về những triển vọng cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao. Việt Nam xếp thứ 42 trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, cao nhất trong các nước đang phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam còn có lực lượng lao động chiếm 60% dân số với độ tuổi lao động trung bình là 32,9 tuổi, mức lương tối thiểu hàng tháng thấp hơn so với các quốc gia láng giềng và trong khu vực. Đây là những lợi thế thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới đầu tư tại Việt Nam.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đã sơ lược về những cơ hội đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi kết nối với khu vực châu Á qua đường biển hoặc đường không, kết nối với khu vực Đông Á và Ấn Độ Dương thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).

Thành phố nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam, dễ dàng tiếp cận với khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Năm lĩnh vực trọng tâm được Đà Nẵng tập trung phát triển bao gồm phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao; cảng biển và sân bay gắn với dịch vụ kho vận; công nghiệp công nghệ cao gắn với thành phố thông minh và khởi nghiệp; ngành công nghệ thông tin gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao.

Tại hội nghị các diễn giả đã trao đổi, giải đáp câu hỏi của doanh nghiệp tham dự liên quan đến môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi về thuế khi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên ở Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Hội nghị này là một hoạt động trong chuỗi 50 sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục