Thương mại điện tử tăng 25%, logistics có bỏ lỡ cơ hội phát triển?

Việc thiếu đồng bộ trong các hoạt động giao hàng, phương thức thanh toán... có thể khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thương mại điện tử tăng 25%, logistics có bỏ lỡ cơ hội phát triển? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: blog.paycorp.co.za)

Thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy vậy, việc thiếu đồng bộ trong các hoạt động giao hàng, phương thức thanh toán... có thể khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực này.

[Giao dịch thương mại điện tử: Tiện ích và những rủi ro]

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo "Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội.

Bất cập về giao hàng

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và mức tăng này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

Trong khi đó, vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử, ước tính khoảng 40% tổng chi phí bán hàng trên mạng tập trung vào giai đoạn khách hàng nhấn vào biểu tượng mua, song thực tế hiện nay, lĩnh vực logistics của Việt Nam vẫn chưa theo kịp với xu hướng phát triển của Thương mại điện tử.

Một khảo sát mới nhất của Công ty cổ phần Sendo cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.

Nói rõ hơn, theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ, hiện độ phủ của hệ thống logistics ở Việt Nam vẫn chưa được đồng đều, hơn nữa chi phí vận hành khá cao so với hệ thống vận chuyển khi có độ phủ rộng lớn.

Còn theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu thương mại điện tử, ở mức cao so với nhiều nước (Ấn Độ từ 10-15%).

Hơn nữa, ông cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực logistics vẫn chưa đáp ứng cho yêu cầu của thương mại điện tử. Đơn cử với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày, doanh nghiệp không thể phát triển một lực lượng hùng hậu các "shipper" (người vận chuyển) chạy bằng xe máy để giao hàng trên khắp cả nước, trong khi chi phí đầu tư và vận hàng cho phương tiện ôtô cao và gây tắc ngẽn giao thông.

[Thủ tướng: Chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm]

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng đặt câu hỏi, liệu logistics có đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại điện tử hay không, với tốc độ phát triển 25% như vậy thì đáp ứng như thế nào, trong khi dịch vụ logistics phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

"Chuỗi cung ứng sẽ ra sao, cộng với nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics đang còn bất cập, nếu tuyển về vẫn phải mất thêm nhiều năm để đào tạo thêm về kinh doanh, thương mại," ông Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Cần sự "bắt tay" để phát triển

Có thể thấy, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics có thể làm mất đi cơ hội cho các doanh nghiệp.

Mặc dù các doanh nghiệp logistics đều đang cải thiện cố gắng để làm tốt hơn, nhưng theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Do vậy, theo ông Khoa, nếu các doanh nghiệp biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau để tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn của các bên để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Cũng nhìn nhận thực tế này, ông Vũ Đức Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Cùng với đó là đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề xuất hướng phát triển xanh đồng thời khẳng định phía Lazada Express sẽ đầu tư vào xe điện khi nhận được sự ủng hộ của các các cơ quan nhà nước để vận hành phương tiện này.

Tại hội nghị, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, hiện hệ thống các văn bản pháp quy đã điều chỉnh những vấn đề cốt lõi nhất về thương mại điện tử.

Theo bà, điều này sẽ mở ra cơ sở lớn hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và hợp tác cũng như có cơ hội cùng phát triển./.

Đại diện Hiệp hội logistics nói về thương mại điện tử
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục