Thụy Sĩ thiếu hụt lao động khi trào lưu “nhảy việc” nở rộ

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty kiểm toán PwC, 20% nhân viên ở Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tìm việc mới vào năm sau, trong lúc có hơn 100.000 vị trí việc làm đang tuyển dụng ở nước này.
Thụy Sĩ thiếu hụt lao động khi trào lưu “nhảy việc” nở rộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: DT Swiss)

Ngày càng có nhiều người ở Thụy Sĩ tìm cách thay đổi công việc. Giống như các quốc gia khác, Thụy Sĩ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động chưa từng có, và người lao động - đặc biệt là giới trẻ - đang tận dụng thế mạnh của họ.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty kiểm toán PwC, 20% nhân viên ở Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tìm việc mới vào năm sau.

Văn phòng Thống kê Liên bang cho biết từ năm 2016-2021, xu hướng “nhảy việc” ở Thụy Sĩ đã tăng lên, đặc biệt là ở những người lao động Thế hệ Z - thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012. Năm 2021, tỷ lệ người lao động chuyển việc là 12,4%, cao hơn mức 12% vào năm 2016.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố đầu năm nay của công ty cung cấp nhân sự đa quốc gia Manpower, hiện có hơn 100.000 vị trí việc làm đang tuyển dụng ở Thụy Sĩ.

Tình trạng thiếu lao động chưa từng có này đang làm thay đổi cán cân quyền lực giữa công ty và người lao động. Nhiệm vụ của các nhà tuyển dụng giờ đây không còn là tuyển chọn mà là thu hút nhân tài.

[12.000 việc làm có thể biến mất sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse]

Xu hướng trên cũng làm thay đổi cách thức tuyển dụng. Các công ty không còn chỉ đơn giản là đặt một quảng cáo trên các trang web tuyển dụng. Ông Anthony Caffon, giám đốc công ty tuyển dụng Michael Page ở Geneva, cho biết việc viết một lá thư xin việc không còn là điều bắt buộc.

Giờ đây, LinkedIn trở thành nơi mà các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng có thể dễ dàng tìm được nguồn nhân lực phù hợp với chi phí phải chăng.

Xu hướng thay đổi công việc xảy ra nhiều hơn cả ở nhóm người lao động trẻ. Cứ năm người trong độ tuổi 15-24 và 25-39 thì có một người đảm nhận vị trí mới vào năm 2021, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người lao động từ 55-64 tuổi chỉ khoảng 5%.

Ông Matthias Mölleney, giám đốc Trung tâm Quản lý Nguồn nhân lực & Lãnh đạo tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich (HWZ), cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng lý do chính để người lao động thay đổi công việc là vì họ hy vọng có mức lương tốt hơn. Bên cạnh đó, khao khát những trải nghiệm mới cũng là một yếu tố thúc đẩy quyết định này.

Những người lao động trẻ thường bị thu hút bởi các công ty khởi nghiệp (startup). Những công ty mới thành lập này có tham vọng tạo ra ảnh hưởng và tăng trưởng nhanh, nhưng cũng có nguy cơ biến mất sau một thời gian ngắn. Ngược lại, các lĩnh vực truyền thống như ngân hàng và bảo hiểm lại không được ưa chuộng.

Ông Frédéric Roger, người sáng lập công ty cung cấp giải pháp nhân sự Air HR Global Solutions, cho biết: “Một môi trường năng động, với khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt, là những gì phù hợp nhất với nhóm tuổi 20-30."

Ông Caffon nhận định: “Những người trẻ tuổi hiếm khi có tầm nhìn nghề nghiệp kéo dài hơn ba năm. Họ có quan niệm về công việc tương đối thực dụng. Các ứng viên thường tự hỏi bản thân rằng một công việc có thể mang lại lợi ích gì cho họ, hơn là những gì họ có thể mang lại cho công ty."

Ông trích dẫn các nghiên cứu dự đoán rằng thế hệ mới sẽ trải qua khoảng 15 nhà tuyển dụng khác nhau trong sự nghiệp của họ, so với con số từ 5-6 công ty đối với thế hệ những người đang trong độ tuổi 50.

Theo ông Ông Caffon, "thế hệ Z ưu tiên giờ giấc linh hoạt và làm việc từ xa, cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều quan trọng nhất đối với những nhân viên này là có thể học được điều gì đó thông qua một dự án. Họ muốn công việc của mình mang lại ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục