​Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho người già yếu và có bệnh nền

Lực lượng chức năng ở Hà Nội, Quảng Ninh đã tổ chức các đoàn y tế tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già yếu không thể tới các điểm tiêm chủng tập trung.
​Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho người già yếu và có bệnh nền ảnh 1Nhân viên y tế phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiêm cho người cao tuổi tại nhà. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 12/1 đến 16 giờ ngày 13/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.725 ca mắc mới, trong đó 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng).

Hà Nội Vẫn là địa phương có số mắc cao nhất nước với 2.968 ca, tiếp đến là Bình Phước (726 ca), Bình Định (709 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (701 ca), Khánh Hòa (677 ca), Đà Nẵng (657 ca)...
Trong ngày, 26.031 ca được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.661.930 ca.

6.006 bệnh nhân nặng đang được điều trị. 206 ca tử vong; tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương

Tại Hà Nội, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tiếp tục được đẩy nhanh, đặc biệt lưu ý người già yếu và có bệnh nền. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn y tế tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già yếu không thể tới các điểm tiêm chủng tập trung.

Trước khi tiêm, người cao tuổi được thăm khám sức khỏe, tư vấn về tiêm vaccine và hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm.

[Ngày 13/1: Hà Nội thêm 2.969 ca mắc COVID-19, 13 ca tử vong]

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu ngành y tế tỉnh khẩn trương tổ chức tiêm vét vaccine lưu động ngay tại nhà đối với các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không thể đến nơi tiêm tập trung.

Đồng thời, lực lượng chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân từ 18 tuổi trở lên, cơ bản hoàn thành xong trước ngày 17/1; tiếp tục rà soát thường xuyên, tổ chức tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm.

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã, Giám đốc Sở Y tế, người đứng đầu các cơ sở y tế, Trạm trưởng Trạm Y tế phải chủ động chỉ đạo sâu sát, tổ chức thực hiện quyết liệt, dứt điểm, đến cùng nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm toàn diện trước các cấp có thẩm quyền nếu để xảy ra tình trạng nhiều người trở nặng, nhập viện và tử vong do chưa được tiêm vaccine khi dịch bùng phát trên diện rộng.

Các ca nhiễm biến thể Omicron ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất viện

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (27), Thành phố Hồ Chí Minh (12), Đà Nẵng (3), Thanh Hóa, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2), Long An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1).

Liên quan đến tình hình số ca nhiễm Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố hiện có 12 ca mắc biến thể Omicron và đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12.

Đến 15 giờ ngày 13/1, toàn bộ các trường hợp này đều đã được xuất viện. Trong 12 ca này, chỉ 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp xuất viện đều đảm bảo quy định của Sở Y tế.

Với những người ngồi cùng chuyến bay với ca nhiễm, có tiếp xúc gần, ngành y tế đã xét nghiệm trên 2.000 người và chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm.

Khắc phục di chứng hậu COVID-19

Hầu hết di chứng hậu COVID-19 ở các bệnh nhân được ghi nhận có ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, một di chứng về tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ. Đây là vấn đề nổi bật được ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc họp định kỳ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, ngày 13/1.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), thống kê trong 40 ngày, từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân hậu COVID-19 đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

Trên 510 bệnh nhân (chiếm 50%) gặp vấn đề về hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hóa, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Thực tế, hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc COVID-19 nhẹ.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi, có bệnh nền mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, mắc bệnh nhẹ. Theo đó, khoảng 1/5 bệnh nhân độ tuổi 18-34, không nhập viện, không triệu chứng vẫn có triệu chứng hậu COVID-19.

Kết quả phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 lứa tuổi 17 đến 87, thời gian 14 đến 110 ngày sau nhiễm bệnh, ghi nhận 55 nhóm tác động lâu dài với nhiều triệu chứng, hậu quả để lại trên cơ thể. Khoảng 80% bệnh nhân từng nhiễm có ít nhất một triệu chứng kéo dài, thậm chí có ca ghi nhận đến 5 triệu chứng.

Hậu COVID-19 không chỉ tác động đến sức khỏe (triệu chứng dai dẳng, tổn thương trên người bệnh, ảnh hưởng xấu sức khỏe, nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng) mà còn ảnh hưởng công việc (khả năng trở lại làm việc, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc), tác động đến xã hội và kinh tế (ảnh hưởng tài chính của cá nhân và xã hội, thái độ của xã hội với người bệnh, hệ thống an sinh xã hội).

Theo ông Phan Minh Hoàng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại bệnh viện để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục