Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành nghề nuôi yến ở phía Nam

Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi cũng như xây dựng các chuỗi giá trị ngành yến theo các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành nghề nuôi yến ở phía Nam ảnh 1Nhà nuôi chim yến trên địa bàn xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Nghề nuôi chim yến đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam do mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi cũng như xây dựng các chuỗi giá trị ngành yến theo các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Đây là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn khuyến nông chủ đề phát triển bền vững ngành yến ở các tỉnh, thành phía Nam do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/12.

Nở rộ nuôi yến tự phát

Nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại đã xuất hiện lẻ tẻ ở các tỉnh Nam bộ Việt Nam khoảng hơn 15 năm, tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây nghề này phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khá nhau.

Ông Mai Thế Hào, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đến tháng 10/2019 cả nước có 42/63 tỉnh, thành có hoạt động nuôi chim yến với hơn 14.300 nhà yến, tập trung nhiều nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung.

[Tour du lịch gắn với thăm làng nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang]

Đặc biệt trong vài năm gần đây nhiều nhà yến đã xuất hiện ở khu vực Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng khiến tổng số nhà yến cả nước tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Theo đó, số nhà yến cho thu hoạch đạt khoảng 60%, sản lượng yến tổ khoảng 68 tấn.

Theo ông Mai Thế Hào, nhiều địa phương ở Việt Nam có lợi thế, khả năng tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và mang lại giá trị kinh tế khá cao.

Ước tính mỗi kg tổ yến có giá từ 1.500-2.000 USD, xuất khẩu tổ yến cũng giúp Việt Nam thu về khoảng 100-150 triệu USD/năm. Đây chính là nguyên nhân khiến số lượng nhà yến tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển “nở rộ” mang tính tự phát trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1, phân tích số lượng nhà yến mới gia tăng đột biến trong thời gian qua là do nhiều người dân biết đến giá trị kinh tế của nghề dẫn dụ, nuôi chim yến lấy tổ, trong khi đó, đối tượng này chưa được điều chỉnh trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chính vì chưa được quy hoạch nên đến nay chưa có bất kỳ quy định nào về tiêu chuẩn, điều kiện chuồng trại cho chim yến, hoạt động xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà yến cũng chưa được quản lý chặt chẽ.

Theo thống kê của một số tỉnh thành, số lượng nhà yến được cơi nới từ nhà ở chiếm tới hơn 53%.

Đại diện Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, Sóc Trăng có tiềm năng lớn đối với nghề nuôi chim yến trong nhà do có sẵn quần đàn yến tương đối lớn, điều kiện tự nhiên, môi trường sống thuận lợi và địa phương cũng đã quan tâm đến việc phát nuôi yến thành ngành hàng mới trong lĩnh vực nông nghiệp, có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư xây dựng nhà yến khá cao, khoảng 2 -3 tỷ/nhà nên phần lớn nhà yến tại địa phương được người dân cơi nới, kết hơp với nhà ở, nhiều nhà yến nằm trong đô thị, khu vực đông dân cư, chưa phù hợp với  quy định về điều kiện vệ sinh thú y và quy hoạch chăn nuôi gia cầm.

Thêm vào đó, việc gia tăng nhà yến nhanh trong thời gian ngắn cũng khiến tình trạng mất cân  bằng giữa số nhà yến và tốc độ tăng trưởng của đàn chim yến.

Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể, quy chuẩn cho việc xây dựng riêng nhà nuôi chim yến, đánh giá tác động môi trường cũng như chưa có quy hoạch về vùng dẫn dụ và nuôi chim yến để làm cơ sở thẩm định, cấp phép và quản lý hoạt động nuôi chim yến.

Sớm quy hoạch chuỗi giá trị ngành yến

Ông Mai Thế Hào cho biết mặc dù ngành nuôi chim yến đã phát triển khá nhanh nhưng tới nay chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến nên các địa phương không có cơ sở để triển khai quy hoạch vùng dẫn dụ và nuôi yến.

Chính vì vậy, có trên 90% nhà nuôi yến đang nằm xem lẫn trong khu dân cư, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.

Trong hệ thống văn bản pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay cũng không có quy định nào yêu cầu người nuôi chim yến phải khai báo và không có cơ quan nào quản lý lĩnh vực này.

“Việc thiếu các công cụ pháp lý trong công tác quản lý nhà nước khiến ngành nuôi yến phát triển tự phát, không có sự kiểm soát về lâu dài sẽ để lại nhiều hệ quả khó lường. Cụ thể, do sức hút về giá trị kinh tế, số lượng nhà yến tăng nhanh hơn tốc độ tăng đàn của chim yến và nhiều địa phương không có điều kiện thuận lợi cho chim yến sinh trưởng dẫn đến tình trạng nhiều nhà yến bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Chưa kể, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn và dịch bệnh tại các cơ sở nuôi yến cũng chưa được quan tâm đúng mức,” ông Hào nhấn mạnh.

Vấn đề liên kết chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ thương hiệu yến sào Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Ngoài các doanh nghiệp lớn như Yến sào Khánh Hòa, Yến Quân... đã xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu, phần lớn người nuôi yến nhỏ lẻ hoạt động độc lập, chưa có kết nối trong việc trao đổi thông tin kỹ thuật, thị trường.

Bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam chia sẻ, yến sào Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt so với các nước khác  trong khu vực nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao do chưa được đầu tư chế biến, chủ yếu là xuất khẩu tổ yến thô có giá trị thấp.

Theo bà Đỗ Tú Quân, Việt Nam có tiềm năng phát triển hơn nữa nghề nuôi chim yến và yến sào Việt Nam đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới) nhưng để phát triển bền vững, đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngành nuôi chim yến cần được quy hoạch rõ ràng.

Song song đó, phải có cơ chế quản lý và thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đóng vai trò định hướng, điều tiết thông qua việc đặt hàng, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, làm hạ giá thành tổ yến.

Cùng quan điểm, đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần thống kê, khảo sát thực trạng các nhà nuôi chim yến để tổ chức quy hoạch nuôi chim yến một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Để quản lý hoạt động nuôi chim yến, các ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật xây nhà nuôi yến, xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về nhà yến cũng như chất lượng tổ yến.

Trong khi đó, các chuyên gia  khuyến nghị, với việc nuôi chim yến trong các khu dân cư như hiện nay, cần chú trọng thực hiện các giải pháp để phòng trừ dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm.

Song song đó, phải đầu tư cho công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu yến sào Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục