Ngày 11/10, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, đã ký công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân các huyện Đắk Song, Đắk G’Long yêu cầu báo cáo rõ thực trạng rừng thông bị đầu độc, hủy hoại; báo cáo công tác chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kết quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng cũng như phương hướng trong thời gian tới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt công an các huyện Đắk Song, Đắk G’Long tập trung điều tra, xử lý các đối tượng liên quan. Đây là lần thứ ba tính từ đầu năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo công an tỉnh nội dung này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, từ đầu năm đến ngày 11/10, tại tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 19 vụ đầu độc rừng thông phòng hộ cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh (đoạn qua các xã Nâm N’Jang, Trường Xuân thuộc huyện Đắk Song) và Quốc lộ 28 (đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn thuộc huyện Đắk G’Long).
Tổng diện tích rừng bị phá hoại lên tới hơn 12ha với hơn 3.100 cây thông khoảng 30-40 tuổi bị bức tử.
Đặc biệt, chỉ trong ba ngày, từ 18-20/9, trên lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) quản lý đã xảy ra ba vụ đầu độc, hủy hoại rừng thông với tổng diện tích hơn 3,6ha và gần 1.000 cây thông bị bức tử.
[Vụ phá rừng thông 20 năm tuổi: Hàng chục cây thông tiếp tục bị đốn hạ]
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Lê Quang Dần nhận định việc khoan lỗ, đổ hóa chất để hủy hoại rừng thông ven Quốc lộ 28 trong thời gian qua được thực hiện rất giống nhau về phương pháp, cách thức. Do đó, khả năng việc tàn phá rừng thông tại đây (có diện tích hơn 9,7ha với gần 2.200 gốc thông) là hoạt động tội phạm có tổ chức.
Tại huyện Đắk Song, dù rừng thông được giao cho từng hộ dân quản lý, bảo vệ với ranh giới cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ đầu độc, hủy hoại trên quy mô lớn mà không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Đắk Nông kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Cơ quan công an đẩy nhanh việc điều tra, xử lý các vụ phá hoại rừng thông; tập trung làm rõ các đối tượng có dấu hiệu bảo kê, kích động, cầm đầu, lôi kéo người dân phá rừng, hủy hoại rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Sở cũng kiến nghị điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng rừng bị hủy hoại, tàn phá trên quy mô lớn, trong thời gian dài như vừa qua.
Liên quan tới việc tàn phá, lấn chiếm rừng thông phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đắk Song, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lê Viết Sinh khẳng định công tác phòng ngừa, ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Đồng quan điểm với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song cho rằng cơ quan công an cần thu thập, củng cố các chứng cứ và khởi tố, điều tra để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hiệu quả.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Song, rừng thông phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện có tổng diện tích khoảng 380ha. Diện tích rừng không lớn nhưng phân bố manh mún với khoảng 100 khoảnh, trải dọc theo đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài trên 30km.
Đối với các khoảnh rừng bị tàn phá, hủy hoại trong thời gian gần đây, Ủy ban Nhân dân huyện trước mắt chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu để huyện thu hồi toàn bộ và giao cho hộ khác quản lý; đồng thời chỉ đạo cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng của các hộ dân nhận khoán cũng như hành vi hủy hoại, đầu độc rừng để lấn chiếm đất của các đối tượng xấu.
Trước đó, trong các ngày 13-20/9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh tình trạng gần 400 cây thông trong rừng phòng hộ, cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, bị bức tử. Thủ đoạn của các đối tượng không mới, điều đáng nói là đất, rừng ở đây đã được giao khoán cho từng hộ dân quản lý, bảo vệ nhưng rừng vẫn bị hủy hoại trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, nhiều vạt thông gần 40 năm tuổi thuộc rừng phòng hộ, cảnh quan ven Quốc lộ 28, đoạn qua địa phận xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, cũng chịu chung số phận. Sự việc này thể hiện sự coi thường luật pháp của lâm tặc cũng như sự chậm trễ, kém hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương./.