Tổng Chưởng lý Brazil ban hành hoãn bỏ phiếu luận tội tổng thống

Trong những động thái cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, ngày 10/5, Tổng Chưởng lý Eduardo Cardozo đã ban hành lệnh hoãn cuộc bỏ phiếu ngày 11/5.
Tổng Chưởng lý Brazil ban hành hoãn bỏ phiếu luận tội tổng thống ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những động thái cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, ngày 10/5, Tổng Chưởng lý Eduardo Cardozo đã ban hành lệnh hoãn cuộc bỏ phiếu ngày 11/5.

Theo luật pháp Brazil, văn kiện này sẽ được 1 trong số 11 thẩm phán Tòa án Tối cao được chỉ định ngẫu nhiên xem xét nhằm tránh thiên vị. Trong trường hợp này, Thẩm phán Teori Zavascki đã được chỉ định.

Văn phòng Thẩm phán Zavascki cho biết ông sẽ xét trường hợp này ngay trong đêm 10/5 để ra phán quyết vào ngày 11/5.

Trong lệnh mới ban hành, Tổng chưởng lý Cardozo cáo buộc tiến trình luận tội bà Rousseff có nhiều thiếu sót.

Theo ông Cardozo, cuộc bỏ phiếu luận tội bà Rousseff ở Hạ viện là kết quả của việc lạm dụng quyền lực do đó toàn bộ tiến trình luận tội phải bị đình chỉ.

Động thái này của ông Cardozo là hy vọng cuối cùng của người đứng đầu nhà nước trong việc ngăn cản tiến trình luận tội bà.

Theo dự kiến, ngày 11/5, Thượng viện sẽ họp phiên toàn thể để bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm bà Rousseff. Chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sỹ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc phải rời nhiệm trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của Đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận.

Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới ngày 31/12/2018.

Trước đó, ngày 17/4, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff mặc dù người đứng đầu nhà nước không bị điều tra hay có bất cứ cáo buộc nào liên quan tới tham nhũng.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.

Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục