Tổng cục Thủy sản: Bảo hiểm tàu cá vẫn thực hiện theo Nghị định 67

Theo Nghị định 67, Bộ Tài chính có trách nhiệm giao đôn đốc các đơn vị bảo hiểm bán bảo hiểm có hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân.
Tổng cục Thủy sản: Bảo hiểm tàu cá vẫn thực hiện theo Nghị định 67 ảnh 1Tàu 67 của ông Phạm Ngọc Hoàng, phường 3, thành phố Vũng Tàu đã nằm bờ gần 1 năm nay. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo phản ánh của một số địa phương, hiện có nhiều tàu cá được đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm tàu cá, do Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex bất ngờ ngừng bán bảo hiểm cho họ.

Trước phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật Thủy sản năm 2017 có thay đổi nhưng cũng không ảnh hưởng đến vấn đề bảo hiểm tàu cá và thuyền viên.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản cũng đã quy định những chính sách của Nghị định 67 vẫn được duy trì, tiếp tục cho đến hết thời hạn hoặc có văn bản khác thay thế; trong đó, có chính sách bảo hiểm.

Ngoài ra, Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản vẫn là sổ thuyền viên (số người đi tàu) không thay đổi nên không thể nói là ảnh hưởng đến việc bán bảo hiểm.

Từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, tàu cá được quản lý theo chiều dài không quản lý theo công suất và có doanh nghiệp bảo hiểm kêu khó thực hiện khi thay đổi quản lý như vậy.

[Những bất cập về ''Tàu 67'' làm "nóng" nghị trường Quốc hội]

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trung, giấy đăng ký (thông tin hồ sơ) tàu cá từ trước đến nay không thay đổi, vẫn bao gồm các thông số kỹ thuật như: công suất, chiều dài, chiều rộng, vật liệu tàu... Việc quản lý theo chiều dài hay công suất chỉ là cách thống kê, quản lý của ngành. Điều này không ảnh hưởng đến việc bán bảo hiểm của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, hiện chỉ có điểm khác là trước đây không có quy định đối với thợ máy thì nay có quy định đối tượng này đối với tàu có chiều dài trên 24m. Theo đó, thợ máy phải được đào tạo và có chứng chỉ. Nhưng, việc bán bảo hiểm thuyền viên là tính theo số lượng người trên tàu, không phân biệt thợ máy hay thuyền viên.

Theo Nghị định 67, Bộ Tài chính có trách nhiệm giao đôn đốc các đơn vị bảo hiểm bán bảo hiểm có hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân. Bộ Tài chính sẽ chủ trì và phân địa bàn cho các đơn vị. Hiện đã có 4 đơn vị bảo hiểm được chọn tham gia Nghị định 67.

Với việc đơn vị bảo hiểm kêu khó, nếu cần sửa đổi quy tắc bảo hiểm tàu cá thì Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham gia góp ý.

Ông Nguyễn Văn Trung cũng nêu ra vấn đề là tại sao trong bốn đơn vị bán bảo hiểm tàu cá chỉ có 1 đơn vị dừng bán và có kiến nghị.

Liên quan đến hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, theo phản ánh của cử tri tỉnh Quảng Trị, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67; trong đó, có quy định về mức ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm tàu cá.

Đó là: “Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).”

Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho ngành ngân hàng trong trường hợp các chủ tàu có vay vốn lớn để đóng tàu, do mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá theo quy định mới giảm còn 50%, chủ tàu không mua bảo hiểm vẫn ra khơi đánh bắt. Nếu gặp rủi ro, sự cố, ngành ngân hàng sẽ gánh khoản nợ xấu của các chủ tàu này.

Gửi ý kiến đến Quốc hội, cử tri tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ xem xét giữ nguyên mức quy định hỗ trợ 90% kinh phí mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 hoặc có biện pháp, chế tài quy định bắt buộc về mua bảo hiểm tàu cá nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định 67 nhằm đánh giá những mặt được, chưa được, những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách mới về phát triển thủy sản trong giai đoạn tới.

Theo Tổng cục Thủy sản, triển khai Nghị định 67, tính đến hết ngày 31/12/2017 cả nước đã có 1.030 tàu cá đi vào hoạt động; trong đó, tàu vỏ gỗ 574 chiếc, vỏ thép 358 chiếc, vật liệu mới 98 chiếc.

Tính đến 30/9/2019, chính sách hỗ trợ bảo hiểm đã giúp bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ cho gần 40.000 lượt tàu cá với tổng kinh phí hỗ trợ cho ngư dân hơn 900 tỷ đồng.

Tổng số thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên hơn 410.000 lượt thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm hỗ trợ là 123 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục