Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhiều lao động tự do và tiểu thương tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đời sống hàng ngày do không thể duy trì được việc làm và thu nhập như trước đây.
Để đảm người dân an tâm trong giai đoạn giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động tự do, tiểu thương ổn định cuộc sống, đồng lòng cùng đẩy lùi dịch COVID-19.
Người lao động tự do được quan tâm
Để an lòng người dân trong lúc cả hệ thống chính trị chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP vào ngày 1/7/2021, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, Nghị quyết quyết định trợ cấp 26.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Từ đó, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Cùng với Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhanh chóng ra công văn 2209/UBND-KT quy định 6 nhóm công việc tự do được hỗ trợ trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Khi triển khai đến thành phố Thủ Đức, có thêm 10 nhóm ngành nghề tự do được bổ sung để tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động ổn định cuộc sống.
Đó là, bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê; bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày hoặc công việc có tính chất tương tự; bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa); xử lý hạt giống để nhân giống, uốn lá (lợp nhà,...).
Bên cạnh đó là nhóm đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa - tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh khai thác, đánh bắt thủy sản như: bắt cá, cào nghêu, soi nha, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới hoặc công việc có tính chất tương tự; thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm việc theo nhóm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh xây dựng dân dụng; lái xe, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải; xe ôm công nghệ; tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ.
Theo ông Đỗ Tiến Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, kể từ khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ra công văn 24263/SLĐTBXH-LĐ gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện về việc báo cáo số liệu lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức đã nhanh chóng ra công văn 4412/UBND-PLĐTBXH ngày 06/7/2021, gửi đến các đơn vị trực thuộc để nhanh chóng triển khai hỗ trợ cho người lao động tự do, mất việc làm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B cũng đã rà soát, thống kê thu thập thông tin người lao động tự do trên địa bàn phường, hỗ trợ theo đúng đối tượng lao động mất việc làm.
Kể từ ngày 16/7 đến nay, Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B đã trao tiền hỗ trợ cho 156/221 trường hợp nộp hồ sơ thông báo mất việc làm.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B cũng đang tiếp tục triển khai tạo điều kiện cho người lao động tự do trên địa bàn phường ổn định đời sống, ứng phó dịch bệnh COVID-19.
[COVID-19: Khắc phục những vướng mắc khi thực hiện giãn cách xã hội]
Chị Đặng Ngọc Thảo, người bán đồ ăn sáng trước cổng trường Cao đẳng Công Thương, thuê trọ tại phường Phước Long B cho biết, do làm công việc tự do nên qua các đợt bùng phát dịch bệnh, chị rơi vào tình cảnh không có thu nhập khi thực hiện giãn cách xã hội.
Chị đã tìm hiểu thông tin và thông qua hướng dẫn của Tổ trưởng khu phố đang ở và nhận được phần hỗ trợ 1.500.000 đồng cho người lao động mất việc làm.
Tiểu thương được miễn thuế
Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg không chỉ gây khó khăn cho người lao động tự do, mà còn tác động lớn đến những tiểu thương kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, mỹ phẩm, vải vóc, chén đĩa,…
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối ngày 21/7/2021, Sở đã có quyết định cho 32 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại để cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân thành phố.
Riêng 205/237 chợ vẫn tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca nhiễm, ca nghi nhiễm, không đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch.
Qua khảo sát các quầy, sạp cửa hàng không thiết yếu tại chợ Bình Thới, quận 11, trong những ngày đóng cửa chợ truyền thống, các tiểu thương buôn bán mặt hàng thiết yếu như: rau củ quả, thịt cá vẫn có thể lấy hàng từ các mối quen, vận chuyển riêng, rồi giao lại cho khách hàng qua đặt hàng điện thoại.
Còn các tiểu thương kinh doanh mặt hàng không thiết yếu chỉ biết đóng cửa và chờ, đặc biệt là những tiểu thương lớn tuổi, không biết sử dụng điện thoại thông minh và hệ thống thương mại điện tử.
Theo bà Ngô Kim Tiến, chủ sạp quần áo tại chợ Bình Thới, sạp quần áo của bà đã đóng cửa kể từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ thời gian đó đến nay, bà hoàn toàn không có thu nhập, lại không thể bán hàng trực tuyến hay có khách đặt hàng nên các khoản chi phí thuê sạp, tiền hàng nợ gối đầu, phải hẹn lại với các chủ hàng để trả sau.
Tuy nhiên, với quy định hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với các tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các trường hợp này đang được lập hồ sơ hỗ trợ để các tiểu thương an tâm.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới cho biết, Ban Quản lý chợ đã lập danh sách các tiểu thương buôn bán các mặt hàng không thiết yếu và sẽ hỗ trợ cho 518 hộ kinh doanh các mặt hàng này tại chợ, với mức hỗ trợ 210.000 đồng/tháng, các hộ được nhận 6 tháng.
Đồng thời, Ban Quản lý chợ cũng miễn thuế cho tất cả các sạp trong thời gian đóng cửa, tạo điều kiện cho tiểu thương tiết kiệm chi phí, có thể duy trì cuộc sống và kinh doanh.
Ông Châu Kiến Quang, Trưởng phòng Kinh tế quận 11 cho biết, quận có 3 chợ truyền thống, với 1.000 tiểu thương.
Quận 11 đã tổ chức xét duyệt cho 1.000 tiểu thương được hưởng mức hỗ trợ chợ loại 2 và chợ loại 3 trong 6 tháng.
Những tiểu thương không kinh doanh mặt hàng thiết yếu được miễn thuế trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.
Trong thời gian tới, những hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn có thể hoạt động khi hệ thống chợ truyền thống được mở lại.
Đáng chú ý là mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong ngày làm việc thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất đưa các hạng mục giống cây trồng, vật nuôi và phân bón, vật tư nông nghiệp vào mặt hàng thiết yếu để kịp thời phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc cung ứng thực phẩm về Thành phố Hồ Chí Minh tốt hơn khi ứng phó dịch lâu dài; đồng thời, cũng góp phần giảm tải các hạng mục cần được hỗ trợ khi thực hiện giãn cách ứng phó dịch bệnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg./.