TP.HCM triển khai nhiều chương trình đặc thù về công tác dân tộc

Với tình hình thực tế của cuộc sống, TP.HCM đã thực hiện các chương trình giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, hỗ trợ giáo dục thế hệ trẻ và duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
TP.HCM triển khai nhiều chương trình đặc thù về công tác dân tộc ảnh 1Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải trao tượng trưng kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh người Hoa có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình đặc thù về công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của cuộc sống đô thị.

Các chương trình giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, hỗ trợ giáo dục thế hệ trẻ và duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống là những điểm sáng của thành phố trong nỗ lực hướng tới "bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển" giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chuyện tại phường "đồng bào"

phường 6, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, có 3 khu phố, 47 tổ dân phố với dân số hơn 9.500 người, trong đó 82% là đồng bào dân tộc Hoa, 1% là người Khmer. Đây được xem là phường có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tại Thành phố.

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 6, cho biết trước kia đồng bào người Hoa tại đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đan cần-xé, làm thuê cho các công xưởng nhỏ và các nhà hàng ăn uống. Đến nay, đồng bào người Hoa trên địa bàn phường vẫn chủ yếu là người lao động tay chân, buôn bán nhỏ nên cơ bản đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Trình độ văn hóa thấp, thậm chí còn nhiều người già khi ra Ủy ban Nhân dân phường làm giấy tờ vẫn phải lăn tay vì không biết chữ.

"Tuy nhiên, đồng bào người Hoa sống chan hòa, đoàn kết, nghiêm chỉnh tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động do chính quyền, Mặt trận cơ sở tổ chức. Nhờ đó, nhiều năm qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo. Bằng sự nỗ lực của chính đồng bào và sự hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và các nguồn lực khác, chất lượng đời sống bà con đã từng bước được nâng lên từ tinh thần đến vật chất," ông Phạm Thanh Sơn cho biết.

Trên địa bàn phường 6, đến đầu năm 2023 còn 33 hộ nghèo đều là đồng bào Hoa. Phường phấn đấu trong năm sẽ xóa không còn hộ nghèo và chỉ còn 50 hộ cận nghèo, chiếm 1,81% tổng số hộ dân. Để đạt mục tiêu này, Ủy ban Nhân dân phường đã giao cán bộ Công an phường phụ trách 2 hộ đồng bào Hoa khó khăn; đồng thời mỗi chi bộ Đảng, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phường phụ trách 1-3 gia đình đồng bào người Hoa khó khăn.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường 6, cùng với triển khai các chính sách chung của Đảng, Nhà nước về đồng bào dân tộc như hỗ trợ, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; chăm lo tạo điều kiện cho hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống; triển khai các hoạt động nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng thẻ bảo hiểm y tế, các gói hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách, miễn giảm tiền nước, tiền điện cho các hộ đồng bào Hoa nghèo…Phường còn chủ động vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Hoa nghèo trên địa bàn.

Riêng trong năm 2022, đã có 6 hộ người Hoa nghèo được vay tín dụng ưu đãi với tổng kinh phí 270 triệu đồng; giới thiệu hỗ trợ học nghề cho 14 hộ dân tộc Hoa nghèo, cận nghèo; hỗ trợ việc làm, tự tìm việc làm cho 50 lao động người Hoa. Phường đã tặng 3 phương tiện sinh kế cho người Hoa nghèo, sửa chữa 3 căn nhà, tặng 60 suất học bổng, 10 xe đạp cho học sinh, con em người Hoa nghèo…

[Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng về thực hiện chính sách dân tộc]

Chia sẻ niềm vui vượt khó vươn lên thoát nghèo, bà Lạc Thị Liên, người dân tộc Hoa ở tổ dân phố 13, phường 6, cho biết trước đây gia đình bà rất khó khăn, thu nhập của bà lại bấp bênh trong khi chồng ốm liên miên, con cái nhỏ dại. Chính quyền đã hỗ trợ rất nhiều như tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà lúc bệnh và lo mai táng khi chồng bà qua đời, các con được đi học miễn phí, tặng học bổng, tặng phương tiện sinh kế sau khi tốt nghiệp phổ thông. Bà được chính quyền tặng máy may để làm việc tại gia; nhà được sửa chữa lại bằng tiền vay ưu đãi của ngân hàng chính sách cộng với tiền của chương trình nhà tình thương.

Ông Phạm Thanh Sơn cho biết bên cạnh những gia đình đồng bào người Hoa với sự hỗ trợ của chính quyền đã nỗ lực vượt khó thoát nghèo, trong phường còn rất thanh niên người dân tộc người Hoa vươn lên trong cuộc sống trở thành lãnh đạo, cán bộ phường, quận và thành phố.

"Dẫu cuộc sống bà con dân tộc vẫn còn khó khăn nhưng bà con luôn tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, chung tay đoàn kết và nỗ lực vượt qua những hạn chế, khó khăn để ổn định và phát triển kinh tế; quan tâm, khuyến khích con em học hành để thay đổi đời sống chính bản thân và cộng đồng dân tộc" - ông Phạm Thanh Sơn chia sẻ.

Chăm cái gốc của vấn đề

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục-đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào dân tộc trong thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống kinh tế-xã hội và gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện học tập cũng như triển khai quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc, dần đưa đồng bào dân tộc trở thành một lực lượng lao động có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển thành phố.

Từ năm 2000 đến nay, thành phố đã triển khai chính sách miễn học phí hoàn toàn từ lớp 1 đến lớp 12; hỗ trợ học nghề và học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và Sau Đại học cho học sinh dân tộc thiểu số, tạo tác động tích cực cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức xã hội đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường và vượt khó, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, có nhiều thanh niên dân tộc Hoa, Chăm, Khmer đã vượt khó để trở thành Thạc sỹ, Tiến sỹ.

TP.HCM triển khai nhiều chương trình đặc thù về công tác dân tộc ảnh 2Nguyên Phó Thủ tướng Thương trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải trao kinh phí hỗ trợ học tập tặng cho học sinh người Hoa có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo Ban Dân tộc thành phố, chỉ riêng trong năm học 2021-2022, đã có hơn 3.000 học sinh người Chăm và Khmer (không tính cấp Tiểu học và chưa tính số liệu Trung học Phổ thông) được miễn học phí với tổng số tiền 2 tỷ đồng; hỗ trợ 20 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền hơn 440 triệu đồng. Thành phố còn triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho học viên Cao học, Nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về đời sống đồng bào dân tộc tại thành phố, Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, cho rằng tạo điều kiện hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương và chính sách có những đóng góp rất tích cực, rõ ràng trên thực tế đối với đồng bào dân tộc. Chính sách này nên tiếp tục được triển khai và mở rộng, nâng cao hơn, như là có chính sách cụ thể đối với con em dân tộc thiểu số có nhu cầu học nghề phù hợp; hỗ trợ nhiều hơn cho các sinh viên người dân tộc thiểu số học đại học và sau đại học. Từ đó sẽ tạo ra nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số chất lượng cao, có tri thức và là tấm gương khuyến khích cho sự phấn đấu của con em đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố.

Đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch Triển khai Thực hiện Chiến lược Công tác Dân tộc Giai đoạn 2021-2030, Tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực giáo dục đối với đồng bào thiểu số cuối năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học Tiểu học trên 97%, học Trung học Cơ sở trên 95%, học Trung học Phổ thông trên 60%...

Bày tỏ phấn khởi trước những tiến bộ trong việc chăm lo học hành cho thế hệ trẻ đồng bào dân tộc, ông Lang Phúc Hương, người dân tộc Thái, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân tộc Tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đồng bào các dân tộc mong muốn các ban, ngành thành phố phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số được hưởng thụ các chính sách khuyến học, khuyến tài, nâng cao trình độ học vấn; tiếp tục quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm để đồng bào các dân tộc có cuộc sống ngày càng ổn định và tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, xứng đáng là bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của thành phố mang tên Bác./.

Bài 1: TP.HCM - Thành phố nghĩa tình của đại gia đình các dân tộc Việt Nam

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục