Trẻ em đối thoại về kiến thức chống bị xâm hại, bạo lực

Lần đầu tiên, 5 trẻ em gái đã được trao quyền tham gia cùng các lãnh đạo huyện, xã để cùng giải đáp các thắc mắc về các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Trẻ em đối thoại về kiến thức chống bị xâm hại, bạo lực ảnh 1Trê em gái thuyết minh về kiến thức chống xâm hại và bạo lực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân Ngày quốc tế Trẻ em gái (11/10), Ủy ban ​Nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội phối hợp với Tổ chức Plan International tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và trao quyền cho trẻ em gái”.

[10 điều nên làm khi trẻ có thể đã bị xâm hại tình dục]

Tại diễn đàn, hàng trăm trẻ em tiểu học, trung học cơ sở, đại diện cho 26.000 trẻ em trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia đối thoại với lãnh đạo huyện. Các em được thể hiện khả năng diễn thuyết trước đám đông về những kiến thức, hiểu biết về quyền của trẻ em về vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em và cách phòng tránh những nguy cơ.

Trong phần tọa đàm, nhiều câu hỏi và thắc mắc của trẻ em về nhiều nhóm vấn đề đã được lãnh đạo các bộ ngành giải đáp, trả lời, đồng thời đưa ra những định hướng, cam kết cho việc thúc đẩy sự an toàn của trẻ em, nhất là trẻ em gái tại các không gian công cộng.

Đặc biệt, 5 trẻ em gái đã được trao quyền tham gia cùng các lãnh đạo huyện, xã để cùng giải đáp các thắc mắc về các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Việc trao quyền cho trẻ em gái là một sáng kiến tập trung vào việc tạo cơ hội cho trẻ em gái và nữ thanh niên được đóng vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực có ảnh hưởng thực tế đến cuộc sống của các em như chính trị, kinh tế, xã hội.

Em Nguyễn M. Phương, học sinh trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: “Trẻ em được quyền lên tiếng, được quyền bảo vệ chính bản thân mình và được quyền lên án những thói xấu, những hành vi xấu của những người xâm hại đến trẻ em.”

“Chúng em cũng như nhà trường đang cố gắng hết sức để phòng chống tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó vai trò, trách nhiệm của các bạn nữ và bạn nam hiện nay là bình đẳng như nhau,” em Nguyễn M. Phương nói.

Ngày quốc tế Trẻ em gái là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương, cha mẹ về quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền của em gái, phê phán tình trạng bất bình đẳng hiện nay khi nhiều trẻ em gái chưa thực sự được bảo vệ, được phát triển và được tham gia.

Bà Saron Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International cho biết, hôm nay các em gái ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cùng nhiều bé gái ở 60 nước trên toàn cầu được trao vị trí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo nói lên tiếng nói của mình.

“Trẻ em gái có thể lãnh đạo nhưng các em không thể tự làm được việc đó. Chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ, động viên các em thực hiện điều này. Hãy cho các em biết trẻ em gái có vai trò quan trọng như thế nào. Hãy cùng hợp tác với chính quyền địa phương, các tổ chức dân sự xã hội, các doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo, phụ huynh, trẻ em gái, trẻ em trai để cùng xác định và chung tay giải quyết các vấn đề phân biệt giới,” bà Saron Kane nói./.

Từ đầu từ năm 2015, ngày 11/10 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày Quốc tế Trẻ em gái. Trong ngày 11/10, Plan International trên khắp thế giới đều tổ chức các sự kiện với quy mô khác nhau nhằm tôn vinh trẻ em gái và quyền của trẻ em gái.
Câu chuyện về trẻ em gái làm mẹ ở tuổi tới trường. (Nguồn: Plan International Vietnam)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục