Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng, có cơ sở để lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo với nhiều lý do.

Đây là chủ đề Tọa đàm được Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức chiều 18/2, tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 120 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các địa  phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế... cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Tại sự kiện, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu đều bày tỏ lạc quan đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, cũng như những cơ hội tiếp cận, huy động nguồn tài chính xanh.

Cơ hội nổi trội

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm nhằm thông tin, trao đổi về báo cáo vừa hoàn thành trong tháng 2/2022 của Ngân hàng Standard Chartered về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển hết sức quan trọng với kỳ vọng sự phục hồi, phát triển trong năm 2022 và 2023 sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho cả giai đoạn 2021-2025, hướng đến các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045. Cơ hội và thách thức đan xen, song, cơ hội là nổi trội.

Từ đánh giá của các tổ chức quốc tế và báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng, có cơ sở để lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo với nhiều lý do. Theo đó, Việt Nam đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, thuộc nhóm 6 nước hàng đầu thế giới. Nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc mạnh mẽ trên cơ sở các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo tiền đề để bứt phá trong năm 2022.

Việt Nam cũng đã bắt nhịp nhanh và kịp thời vào dòng chảy của các xu hướng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhằm tranh thủ cơ hội “trăm  năm có một” để tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Với mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, 16 Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác, Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh hợp tác, thu hút các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ phục hồi và phát triển.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng, thách thức đặt ra cũng rất lớn. Đó là những rủi ro của kinh tế thế giới, như lạm phát, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh. Đó là những rủi ro có thể phát sinh đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách phục hồi kinh tế như nợ xấu, lạm phát, sự quản trị, thay đổi để thích ứng không theo kịp tình hình.

Đó là khả năng “bắt nhịp” nhưng không “bứt phá” trong quá trình phục hồi và tận dụng các xu thế mới. Bên cạnh đó, giai đoạn phục hồi hậu khủng hoảng luôn có tính “nhạy cảm”, cần quan tâm, theo dõi để kịp thời xử lý và thích ứng.

[Triển vọng và thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2022]

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, Chương trình không chỉ bao gồm những giải pháp khôi phục kinh tế ngắn hạn mà tập trung vào nhiều giải pháp dài hạn nhằm tạo lập các động lực tăng trưởng bền vững, nhất là tăng trưởng xanh.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải vào năm 2050 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đồng thời ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác cho các biện pháp phục hồi kinh tế-xã hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam.

Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh ảnh 1Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và bạn bè quốc tế trong việc theo dõi, đánh giá tình hình và các xu thế lớn của thế giới và kinh tế thế giới, từ đó kịp thời tham mưu cho các cơ quan Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp về các xu hướng, giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội bền vững.

Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao đã xác định đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các cam kết về giảm phát thải là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Giải pháp tiếp cận và huy động nguồn lực tài chính xanh

Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered đã chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đồng thời thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Theo ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vaccine được thúc đẩy và các gói kích thích của chính phủ.

Tuy nhiên, mức nền cao trong năm ngoái, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại Phiên thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách với Việt Nam, dưới sự điều phối của Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các tổ chức và nhiều đối tác quốc tế đã khẳng định tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Nguồn vốn sẽ được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân, các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu, ưu tiên về phát triển bền vững.

Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất...

Đưa ra những cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh, từ đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều đối tác và các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Theo bà Michele Wee, tháng 11/2021, Ngân hàng Standard Chartered đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức Hội nghị “Đối thoại tại COP26 với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: Kiến tạo tương lai thịnh vượng và bền vững thông qua đầu tư tư nhân” tại Glasgow, Vương quốc Anh, bền lề Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, Ngân hàng đã trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam, nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững. Đây là minh chứng cho mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững của Ngân hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục