Trưng cầu ý dân ở Scotland: Tranh cãi về độc lập vẫn gay gắt

Các cuộc vận động và tranh luận về quyết định Scotland độc lập vẫn diễn ra gay gắt tập trung chủ yếu vào các vấn đề đồng tiền Scotland, các mỏ dầu ở Biển Bắc và việc lãnh thổ này gia nhập EU.
Trưng cầu ý dân ở Scotland: Tranh cãi về độc lập vẫn gay gắt ảnh 1Cựu Thủ tướng Anh Gorden Brown phát biểu tại cuộc vận động bỏ phiếu ngày 17/9 tại Glasgow, Scotland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, cử tri Scotland đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân quyết định vùng lãnh thổ này sẽ trở thành quốc gia độc lập hay tiếp tục ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh.

Hơn 2.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Scotland mở cửa từ 6 giờ sáng 18/9 (theo giờ GMT) và đóng cửa lúc 21 giờ.

Kết quả bỏ phiếu dự kiến được công bố vào sáng sớm ngày 19/9.

Đã có 97% cử tri đăng ký đi bỏ phiếu, một con số kỷ lục và sẽ có hơn 100.000 thiếu niên 16-17 tuổi lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ công dân.

Giới quan sát cho biết các cuộc vận động và tranh luận vẫn diễn ra sôi nổi và gay gắt trước giờ bỏ phiếu, tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế: Đồng tiền mà Scotland độc lập sẽ sử dụng, liệu các mỏ dầu ở Biển Bắc có làm cho Scotland độc lập giàu có hơn không và sẽ phải mất bao lâu để Scotland độc lập đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Cả ba chính đảng lớn ở Anh gồm Đảng Bảo thủ, Công đảng và Đảng Tự do Dân chủ đã cùng tham gia cuộc vận động với những cam kết về quyền tự trị rộng rãi hơn, tài trợ nhiều hơn cho Scotland trong khi Thủ hiến Scotland Alex Salmond gửi thư nhắc nhở cử tri về "thời điểm quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời họ," kêu gọi cử tri "tận dụng cơ hội lịch sử", hàm ý cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland.

Trong phe phản đối độc lập, nhiều nhân vật vẫn tích cực đi gặp người lao động trong đêm 17/9 để bảo vệ lập luận của họ về tài trợ cho vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất là dịch vụ y tế.

Ba chính đảng lớn ở Anh hứa duy trì "công thức Barnett," một phương thức phân bổ lợi tức vốn luôn đảm bảo người Scotland được hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế cho dù đề nghị này đã gây phản ứng trong Nghị viện Anh với nhiều người cho rằng cái giá để giữ chân Scotland quá cao.

Họ kêu gọi trong trường hợp phe nói "không" thắng thế vẫn cần thành lập một Nghị viện thuần Anh.

Theo báo Người bảo vệ của Anh, các cuộc thăm dò dư luận trước giờ bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ độc lập giành 48% số phiếu ủng hộ, lực lượng phản đối vẫn dẫn điểm với 52% số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, với 8-14% trong tổng số 4,3 triệu cử tri Scotland chưa đưa ra quyết định cuối cùng thì rất khó dự đoán kết quả cuộc trưng cầu ý dân.

Nếu cử tri Scotland chọn độc lập, hầu như chắc chắn Thủ tướng David Cameron sẽ từ chức và sức mạnh quốc phòng của Anh sẽ suy giảm nghiêm trọng.

Edinburgh và London sẽ phải dành 18 tháng đàm phán để giải quyết những vấn đề chung như sử dụng đồng bảng Anh, chia sẻ nguồn tài nguyên dầu ở biển Bắc, kiểm soát biên giới. Một Scotland độc lập sẽ phải đàm phán lại để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), sự kiện này có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ an ninh Mỹ-Anh và Anh-NATO tại thời điểm NATO và Mỹ đang đau đầu đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nếu Scotland độc lập, Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% doanh thu thuế và những thiệt hại không thể đo đếm về văn hóa và chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục