Trung Quốc: Hoạt động ở các nhà máy dự kiến giảm tháng thứ 6 liên tiếp

Theo một khảo sát, nhiều khả năng vẫn cho thấy đà tăng trưởng của ngành chế tạo Trung Quốc suy yếu, với chỉ số PMI của Caixin/Markit giảm từ 51,4 hồi tháng Chín vừa qua xuống 51,0 trong tháng này.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát vừa công bố của hãng tin Reuters, hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc trong tháng 10 này dự kiến sẽ ghi nhận tháng suy giảm thứ 6 liên tiếp, cho thấy áp lực từ bên ngoài và tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ đối với các lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vẫn chưa hề suy giảm.

Theo dự báo của 35 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cho tháng 10 này của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức 49,8, không thay đổi so với tháng Chín vừa qua. Nhưng con số trên vẫn dưới mốc 50 phân cách giữa tăng trưởng với thu hẹp.

Một cuộc khảo sát khác do công ty dịch vụ thông tin tài chính toàn cầu Market (Anh) và công ty cung cấp thông tin tài chính Caixin Media Co Ltd (Trung Quốc) tiến hành có thể cho thấy hoạt động của nhà máy Trung Quốc đã mở rộng trong tháng 10 này.

Tuy nhiên, khảo sát này nhiều khả năng vẫn cho thấy đà tăng trưởng của ngành chế tạo Trung Quốc suy yếu, với chỉ số PMI của Caixin/Markit giảm từ 51,4 hồi tháng Chín vừa qua xuống 51,0 trong tháng này.

Báo cáo của Caixin/Markit thường tập trung nhiều hơn vào các công ty Trung Quốc có quy mô nhỏ - vừa và định hướng xuất khẩu.

Chỉ số PMI chính thức và khảo sát tương đương trong lĩnh vực dịch vụ sẽ được công bố vào thứ Năm tuần này (31/10 tới).

Báo cáo của Caixin/Markit sẽ được công bố vào một ngày sau đó.

[Thất nghiệp - Vấn đề nan giải của Trung Quốc khi nền kinh tế đi xuống]

Suy thoái kéo dài trong ngành chế tạo Trung Quốc đã củng cố cho những bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “hạ nhiệt” tăng trưởng.

Đồng thời, điều này cũng tạo áp lực lên các nhà chức trách Bắc Kinh trong việc phải tiến hành thêm nhiều biện pháp kích thích để ngăn chặn tình trạng giảm tốc và mất việc làm trên quy mô lớn.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 3 vừa qua chỉ đạt 6% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn so với dự báo và là mức yếu nhất trong gần ba thập kỷ.

Cuộc khảo sát của Reuters cũng đưa ra dự báo rằng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong cả năm nay, rồi hạ xuống 5,9% vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hoàn tất nội dung thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" để các nhà lãnh đạo ký vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, giới phân tích và nhà đầu tư vẫn thận trọng do hai bên vẫn còn một số khác biệt trong các vấn đề chính.

Nhiều người cho rằng một giải pháp dài hạn cho cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc khó có thể xảy ra trong thời gian tới.

Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, bên cạnh mức thuế quan 25% hiện đang áp lên 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của nước này. Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên tâm lý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục