'Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai còn rất đáng lo ngại'

Theo kết quả nghiên cứu do UNFPA thực hiện tại Việt Nam, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ.
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai còn rất đáng lo ngại. Tại Việt Nam, tình trạng mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53%). Hiện nay, tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.

Thông tin trên được ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9) với chủ đề “Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước,” diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội.

Tỷ lệ phá thai cao ở người từ 25-29 tuổi

Ông Nguyễn Doãn Tú cho hay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028.

[Việt Nam và cộng đồng quốc tế phối hợp giải quyết các vấn đề về dân số]

Theo ông Tú, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Thời gian qua, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại.

Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10%. Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của Điều tra tương tự năm 2014.

Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 40%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung. Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao.

Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam do UNFPA thực hiện năm 2016 cho thấy phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.

Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Theo các chuyên gia tại hội nghị, những người thực hiện phá thai không an toàn trong điều kiện kém an toàn có thể dẫn tới một số biến chứng cho phụ nữ trong vấn đề sinh sản cũng như sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ

Theo Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và được duy trì trong suốt 16 năm qua.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống, giảm gần 3 lần so với năm 1979.

Tỷ suất chết mẹ (MMR) giảm mạnh, từ 140 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 1976 xuống 69 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2009 và 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 67% vào năm 2020. Thành công của Chương trình kế hoạch hóa gia đình Việt Nam là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh góp phần phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm thiểu tối đa việc phá thai và giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh con.

“Nhờ thành công của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước,” ông Nguyễn Doãn Tú phân tích.

Video tuyên truyền hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới:

Theo ông Tú, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Việc này nhằm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản./.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.

Nghị quyết với mục tiêu giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn”.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục