Vì sao đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản bị kéo tụt trong tháng Bảy?

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đã kéo tụt đà tăng trưởng của xuất khẩu lâm sản.
Vì sao đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản bị kéo tụt trong tháng Bảy? ảnh 1Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng Bảy ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6/2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 7 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6%.

Trong 7 tháng, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính. Tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường này ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Riêng thị trường Mỹ, thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lâm sản cao nhất đã có sự giảm mạnh với 4,9% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt trên 5,84 tỷ USD nên đã kéo đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, xuất khẩu lâm sản sang các thị trường khác vẫn có sự tăng trưởng. Điển hình như Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc 1,161 tỷ USD, tăng 23,8%; EU đạt 726 triệu USD, tăng 0,8%; Hàn Quốc 623 triệu USD, tăng 13%.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu lâm sản 7 tháng đạt thấp so với những năm trước đó chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Điển hình như xuất khẩu sang Mỹ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.

Dù đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiếu yếu tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Anh giảm mạnh đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay.

[Xuất khẩu lâm sản trong năm 2022 dự kiến đạt hơn 16 tỷ USD]

Ông Đỗ Xuân Lập cũng chia sẻ cuộc khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ.

Xu thế tương tự cũng diễn ra tại thị trường EU khi trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này được khảo sát có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.

Với thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Vì sao đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản bị kéo tụt trong tháng Bảy? ảnh 2Sản xuất các sản phẩm bàn ghế. (Nguồn: TTXVN)

Cuộc khảo sát cũng cho thấy khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Trước tình hình trên, ông Đỗ Xuân Lập cho biết nhiều doanh nghiệp đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.

Ông Bùi Chính Nghĩa cũng cho biết ngành lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục