Vì sao người dân không mặn mà với trạm y tế xã?

Hiện nay, y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều, thiếu cả về cơ chế chính sách và chính cơ chế chính sách đó làm cho người dân không muốn đến các trạm y tế xã.
Vì sao người dân không mặn mà với trạm y tế xã? ảnh 1Cán bộ y tế tuyến xã khám bệnh cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Chính sách đầu tư cho y tế cơ sở, đảm bảo cho tuyến y tế này hoạt động hiệu quả theo mô hình cung ứng dịch vụ y tế lấy chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng đang là một vấn đề được cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) để có cái nhìn toàn diện hơn.

4% chi phí phát sinh tại trạm y tế xã

- Ông đánh giá như thế nào về y tế cơ sở ở nước ta hiện nay?

Ông Lê Văn Phúc: Ở nhiều nước, việc khám chữa bệnh tại y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu vô cùng quan trọng. Bao giờ việc chăm sóc sức khỏe cũng theo hình chóp, chi phí ở cơ sở nhiều sau đó lên các tuyến huyện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Nhưng ở Việt Nam, đang có xu thế chi phí ở các tuyến trung ương, tuyến huyện, tuyến tỉnh và cao hơn rất nhiều so với tuyến y tế cơ sở. 

[Điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường]

- Bảo hiểm Xã hội đã có thống kê nào về những con số này ở tuyến y tế cơ sở thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong năm 2017 chỉ khoảng 4% chi phí phát sinh tại trạm y tế xã trong tổng số tổng chi phí bảo hiểm y tế ở tuyến xã.

Chi phí tại tuyến trung ương lên đến 25-26% và theo nhiều năm chúng tôi thấy có sự gia tăng nhiều hơn chi phí ở tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Trong khi đó, chúng ta cần thiết phải làm rất nhiều bệnh có thể chăm sóc, có thể khám chữa bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Người bệnh không mặn mà nhiều với các trạm y tế xã

- Vậy theo ông chúng ta đang gặp những vướng mắc gì trong triển khai công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở?

Ông Lê Văn Phúc: Thứ nhất, đó là về vấn đề cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách ở đây liên quan trước hết là vấn đề con người.

Qua theo dõi và thực tế của chúng tôi, chúng tôi thấy có những trạm y tế xã một ngày hiện nay chỉ có 4-5 người bệnh đến để khám chữa bệnh, để chăm sóc sức khỏe và những chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế xã hiện nay rất yếu, kém. Mọi việc khám chữa bệnh đi lên tuyến huyện.

Trạm y tế xã, có thời điểm trạm y tế xã đã bao phủ đến 60-70% có bác sỹ làm việc, có một giai đoạn, các bác sỹ có xu thế bỏ các trạm y tế xã để ra khu vực tư nhân làm việc, lên các bệnh viện tuyến huyện tuyến tỉnh.

Nguyên nhân vì sao như vậy? Bởi đối với bác sỹ, nhân viên y tế họ phải có người bệnh, phải có quản lý với người dân thăm khám. Khi chúng ta có chính sách thông tuyến từ năm 2016 đến nay, qua theo dõi chúng tôi thấy, người tham gia bảo hiểm y tế đã không còn mặn mà nhiều với các trạm y tế xã và họ đã lên tuyến huyện.

Vì thông tuyến huyện nên người dân rất dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế ở tuyến huyện và rõ ràng ở tuyến huyện những điều kiện về thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, nhân lực,.. tốt hơn ở tuyến xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy nhiều ý kiến của người dân cho rằng, nếu tuyến xã tốt thì họ sẵn lòng khám chữa bệnh ở tuyến xã.

Tuy nhiên, tốt ở đây về nhân lực và có phương tiện thăm khám và thứ ba nữa phải có đủ nguồn kinh phí. Cả ba điều đó hiện nay đang thiếu ở y tế cơ sở.

Vì sao người dân không mặn mà với trạm y tế xã? ảnh 2Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Bên cạnh đó, có những địa phương, chúng tôi thấy khi họ quản lý những chương trình như tăng huyết áp, đái tháo đường ở tuyến xã rất tốt. Như tỉnh Bắc Giang là một điển hình về việc quản lý bệnh tăng huyết áp ở tuyến y tế cơ sở tốt.

Ví như một người bị bệnh tăng huyết áp điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai một tháng thì chi phí hết khoảng 1-1,5 triệu, trong khi đó ở ngay tại trạm y tế xã chỉ hết khoảng 250.000 đồng – 300.000 đồng và người ta vẫn đảm bảo, duy trì được thuốc uống, đảm bảo được tư vấn. Nhưng muốn vậy, rõ ràng chúng ta phải có nhân lực, hướng dẫn chi tiết, có nguồn kinh phí thì mới đảm bảo được công tác khám chữa bệnh ở y tế cơ sở.

Hiện nay, y tế cơ sở chúng ta đang thiếu rất nhiều, thiếu cả về cơ chế chính sách và chính cơ chế chính sách đó làm cho người dân không muốn đến các trạm y tế xã nữa. Một khi người dân không đến trạm y tế xã nữa thì nhân viên tại trạm y tế xã sẽ cũng bỏ việc ra khối y tế tư nhân hoặc lên bệnh viện các tuyến khác.

Ưu tiên đầu tư y tế cơ sở: Nhiều khúc mắc

- Với kinh nghiệm của nhiều nước trên quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản…WHO khuyến cáo nên sử dụng tư nhân hóa, xã hội hóa hỗ trợ cho các trạm y tế tuyến xã nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã và trang thiết bị y tế cho tuyến này. Về vấn đề này, quan điểm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Văn Phúc: Việc xã hội hóa tại các trạm y tế tuyến xã về đầu tư trang thiết bị máy móc hay về con người, đào tạo nguồn nhân lực, chúng tôi nghĩ Việt Nam trong bối cảnh thiếu nguồn nhân lực từ phía nhà nước thì việc đầu tư xã hội hóa như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đưa ra được những điều kiện như khi nào, lúc nào, ở đâu để đầu tư cho phù hợp.

Nếu như hiện nay chúng ta đầu tư tất cả các trạm y tế xã đều có máy X-quang, đều có máy xét nghiệm huyết học, đều có máy siêu âm… Vậy năng lực vận hành trang thiết bị đó có đủ hay không? Có đảm bảo rằng khi chúng ta có hệ thống đó ở tuyến xã có giảm được chi phí lên tuyến huyện hay không?

Bởi trong bối cảnh xã hội hóa hiện nay ở Việt Nam như chúng ta đã biết khi các công ty các công ty đặt máy móc hay liên doanh liên kết thì vấn đề lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Một khi đã lợi nhuận thì ở huyện cũng đặt xã hội hóa, ở xã cũng xã hội hóa và nếu tôi làm một cái máy siêu âm ở tuyến xã, tôi nghi ngờ một bệnh nào đó, sau đó tôi chuyển lên tuyến huyện, tuyến huyện lại siêu âm, lại xét nghiệm làm lại toàn bộ. Vậy những điều này chúng ta phải đánh giá được hiệu quả của nó.

Theo tôi, phải đảm bảo rằng khi chúng ta tăng cường được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở tuyến xã thì phải giảm được khám chữa bệnh ở tuyến huyện, tuyến tỉnh.

Cũng tương tự như vậy, tôi muốn nói khi tôi đã quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường tại trạm y tế xã thì những người đó phải đến trạm y tế xã và lúc nào người đó mới phải lên tuyến huyện để kiểm tra định kỳ hoặc khám thêm. Không thể khám tại trạm y tế xã, lĩnh thuốc 1 tháng, nửa tháng sau lại lên tuyến huyện để khám nếu như chúng ta không quản lý được việc đó. Đồng thời với việc đó chúng ta cũng phải có những quy định liên quan đến việc quản lý các bệnh ở trạm y tế xã.

Các nước khác họ thành công là do họ có các quy định chặt chẽ. Thứ nhất là bác sỹ gia đình khám như thế nào? Khám tổng quát ra sao và khi nào được chuyển lên tuyến trung ương.

Vì sao người dân không mặn mà với trạm y tế xã? ảnh 3Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến huyện. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

- Vậy theo ông, nếu như tiến hành xã hội hóa ở tuyến y tế cơ sở thì cần những gì?

Ông Lê Văn Phúc: Xã hội hóa ở tuyến xã cần sự đồng bộ, quy chuẩn chặt chẽ. Hiện nay, bệnh viện huyện nhiều khi không làm được những can thiệp nhưng vẫn đầu tư làm máy CT Scanner, máy chụp cắt lớp… rất đắt tiền, sau đó phát hiện trường hợp chụp u não, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh để làm, để mổ. Bệnh nhân lên tuyến tỉnh, bệnh viện tỉnh lại chụp lại, lại làm lại liên quan đến lợi nhuận, chúng ta phải có những ràng buộc chặt chẽ, liên quan đến lợi nhuận.

Như vậy, muốn triển khai được xã hội hóa thì bên cạnh đó, chúng ta phải có những chế tài quy định và chúng tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay chính sách phải đi trước sau đó mới có những bước thực hiện tiếp theo.

Dù thế nào chúng ta cũng không thể nào đi ngược được những xu thế của thế giới và muốn tiết kiệm được chi phí chung cho xã hội, kể cả chi phí của quỹ bảo hiểm xã hội, chi phí của người dân thì việc chăm sóc, phát hiện chữa trị ban đầu là cực kỳ quan trọng.

Chẳng hạn như, một người ở xã đi 5km đến trạm y tế xã chắc chắn người ta sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với đi 15-20km lên tuyến huyện, lên tuyến tỉnh hàng trăm km. Trong khi đó, mỗi người bệnh khi tới bệnh viện đều có ít nhất một người nhà đi cùng kèm theo thì nguồn chi phí tốn kém không hề nhỏ.

Với vai trò của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, là đơn vị khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế hiện nay, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế ngay từ y tế tuyến cơ sở là quan trọng.

Chúng tôi cũng trăn trở làm sao để người dân tiếp cận ngay được những dịch vụ khám chữa bệnh, quản lý ở y tế cơ sở, giảm đi chuyện người dân phải lên tuyến trên, đặc biệt giảm đi việc lên tuyến trung ương những trường hợp như tăng huyết áp, điều trị ở tuyến huyện cũng đã là tốt lắm rồi, không phải lên tận tuyến trung ương tuyến tỉnh không cần thiết.

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng với Bộ Y tế xây dựng chính sách để tổ chức và thực hiện chính sách này được thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở. Trên nền đó để chi trả, phát triển nguồn nhân lực phù hợp , cung cấp dịch vụ y tế tốt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục