Vì sao Thái Lan là điểm đến ưa thích của người chuyển giới?

Việc Thái Lan hiện được xem là điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn được phẫu thuật chuyển giới đã khiến người ta tò mò đặt câu hỏi vì sao đất nước này được ưa chuộng tới vậy?
Vì sao Thái Lan là điểm đến ưa thích của người chuyển giới? ảnh 1Một người chuyển giới đứng trong thẩm mỹ viện Preech ở Thái Lan. (Nguồn: Globe and Mail)

Amy (không phải tên thật) bước chầm chậm về khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt cô. Cô nhận một tấm phiếu nhỏ ghi số thứ tự, được chỉ tới ngồi tại một hàng ghế nhựa sắp xếp cẩn thận, chờ người ta duyệt hồ sơ.

"Thiên đường" của người chuyển giới

Amy là một người Anh đã tìm tới Bangkok (Thái Lan) để thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Cô đặt chân xuống Thái Lan vào ngày 3/7/2021, thời điểm đất nước này công bố họ đang có trên 6.000 ca mắc COVID-19. Nhưng những lo lắng của Amy không liên quan tới việc thực hiện chuyến bay kéo dài suốt 18 tiếng đồng hồ vào giai đoạn giữa đỉnh dịch, để đến một vùng đất cô chưa từng tới bao giờ.

Với cô, việc bị từ chối hồ sơ nhập cảnh mới là điều đáng quan tâm. Đó sẽ là một trở ngại nữa trong hành trình vất vả để thực hiện khát vọng phẫu thuật chuyển giới. Trước chuyến bay, cô đã dành tới 6 năm để lên kế hoạch chi tiết cho hành trình chuyển giới.

Amy không phải người nước ngoài đầu tiên tới Thái Lan để thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Sau ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên vào năm 1975, Thái Lan đã được tung hô là điểm đến phù hợp để thực hiện loại hình phẫu thuật này. Từ năm 2010 tới năm 2012, 90% người thực hiện phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan tới từ nước ngoài.

Điều này diễn ra là bởi từ đầu những năm 2000, chính phủ Thái Lan đã tăng cường khuyến khích du lịch y tế, một ngành kinh tế có tiềm năng. Vào năm 2017, Thái Lan xếp thứ 5 trên thế giới về doanh thu thường niên từ du lịch y tế: hơn 600 triệu USD.

Nhưng bên cạnh danh tiếng, một trong những điều thực sự khiến Thái Lan trở thành “thiên đường” chuyển giới chính là việc người tiến hành phẫu thuật không phải nhận những ánh nhìn kỳ thị. Các yếu tố như đông dân theo đạo Phật và đặc biệt là thái độ của công chúng đã tạo môi trường cho ngành kinh tế phẫu thuật thẩm mỹ phát triển mạnh ở Thái Lan.

Amy, cũng như nhiều người chuyển giới khác, dành phần lớn thời niên thiếu của mình trong bối rối mỗi khi nhắc tới giới tính. Sau này họ còn đối mặt với sự phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Amy đã từng cố “trở thành một người đàn ông” bằng việc gia nhập quân đội. Nhưng cô gặp phải nhiều vấn đề tâm lý khi gò ép bản thân.

Nỗi niềm của những con người muốn được là chính mình

Sự tồn tại của các quỹ trợ giúp người chuyển giới tiến hành phẫu thuật rất khác nhau giữa các quốc gia. Vài đất nước hoàn toàn không có, hoặc có rất ít những quỹ như thế này như Bulgaria và Australia. Nhưng cũng có những đất nước như Anh và Canada lại hỗ trợ hoàn toàn người dân thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

Vì vậy, Amy - một công dân nước Anh - có thể được coi là may mắn. Cô đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ phẫu thuật chuyển giới miễn phí do cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cung cấp. Tuy nhiên, sau 3 năm chờ đợi, cô vẫn chưa được NHS thực hiện phẫu thuật.

Vì sao Thái Lan là điểm đến ưa thích của người chuyển giới? ảnh 2Cơ sở phẫu thuật chuyển giới của một bác sĩ có tên Thep Vechavisit ở Thái Lan. (Nguồn: Globe and Mail)

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến nền y tế nước Anh rơi vào khủng hoảng. Gần 6 triệu người dân Anh phải đợi được phẫu thuật cùng với các thủ tục y tế khác. Người chuyển giới cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề trong khủng hoảng này.

James Bellringer, một bác sĩ phẫu thuật chuyển giới thuộc NHS chia sẻ qua thư điện tử: “Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến một vấn đề vốn đã tồn tại từ lâu trở nên trầm trọng hơn nhiều. Chúng tôi không chỉ thiếu các bác sĩ phẫu thuật mà còn thiếu cả các chuyên gia giới tính”.

Năm 2019, có hơn 13.500 người trong danh sách đợi được thực hiện các dịch vụ ở nhiều phòng khám giới tính thuộc phạm vi quản lý của NHS, bao gồm đánh giá tiền phẫu thuật, kê đơn thuốc ngăn hormone và ngăn dậy thì, giới thiệu các bệnh nhân mong muốn được phẫu thuật tới các cơ sở cung cấp dịch vụ.

Theo NHS, các bệnh nhân sẽ được chỉ định tới các chuyên gia trong vòng 18 tuần. Dù vậy, trước đại dịch, thời gian trung bình một bệnh nhân cần đợi là 18 tháng và với nhiều người con số này trở thành 3 năm. Điều này nằm ngoài sức chịu đựng của nhiều người.

Trước khi tới Thái Lan, Amy đã tin tưởng hoàn toàn vào dịch vụ của NHS. Cô ghi chép cẩn thận các lịch hẹn, không bao giờ tới sai giờ. Cô còn tình nguyện làm việc tại cơ sở của NHS của địa phương.

Nhưng sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng cô không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Amy, cũng giống với nhiều người khác, quyết định tìm hiểu về phẫu thuật chuyển giới trên Internet và lựa chọn Thái Lan làm đích đến.

Từ sân bay, Amy được một chiếc xe đón và chở tới một khách sạn cao cấp có tầm nhìn hướng ra trung tâm Bangkok. Tại đây, cô dành hai tuần cách ly trong một căn phòng chỉ có hai màu nâu và be.

Sau khi hết cách ly, cô được chỉ định phẫu thuật sớm 1 ngày. 2 ngày trước cuộc phẫu thuật, cô được đưa tới buổi tham vấn đầu tiên với bác sĩ Kamol Pansritum tại Thẩm mỹ viện Kamol nằm ở vùng ngoại ô Bangkok.

Kamol là bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng với các bệnh nhân nước ngoài. Ông tốt nghiệp ngành y tại Đại học Chulalongkorn danh giá. Theo thông tin trên website của thẩm mỹ viện, ông đã thực hiện hơn 5.000 ca phẫu thuật chuyển giới kể từ năm 1997.

Chiếc xe chở Amy đi từ khách sạn tới một tòa nhà quét vôi trắng cao vài tầng. Các nhân viên chào Amy bằng một cái chắp tay vái và một nụ cười phía sau chiếc khẩu trang N95.

Trong một văn phòng nhỏ, bác sĩ Kamol bắt đầu kiểm tra để chắc chắn rằng với quy trình phẫu thuật Amy đã chọn, sẽ có đủ mô để thực hiện việc phẫu thuật. Sau khi được xác nhận đủ điều kiện phẫu thuật, Amy được đưa tới một căn phòng riêng, nơi cô sẽ ở trong hơn một tuần tới. Đó là một căn phòng hiện đại, sạch sẽ và đơn giản: một chiếc giường đơn, một chiếc ghế đơn bọc da PU, một chiếc TV và cửa sổ có rèm nhìn về những chiếc tường trắng xóa của tòa nhà bên cạnh.

Với Wi-Fi miễn phí tại bệnh viện, cô gọi về cho gia đình. Căn phòng sạch sẽ đã giúp trấn an mẹ Amy - một y tá chuyên chăm sóc bệnh nhân. Nếu Amy chọn phẫu thuật tại Anh, mẹ đẻ đã có thể đi cùng cô.

Một hành trình đầy rủi ro và hiểm nguy

Từ giữa thế kỷ 20, phẫu thuật biến dương vật thành âm đạo được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Không ít bác sĩ phẫu thuật chuyển giới coi là tiêu chuẩn vàng.

Nhưng với Amy, phương pháp này đã lỗi thời. Trong số nhiều kỹ thuật hiện có, Amy cho rằng kỹ thuật kéo màng bụng tạo hình âm đạo (PPT) hợp thời hơn. PPT được phát triển từ phương pháp phẫu thuật phụ khoa trên phụ nữ dị tính, sử dụng mô ở quanh khoang vùng bụng, những mô có khả năng tạo độ ẩm.

Bác sĩ Lee Zhao tại Đại học New York đã sử dụng phương pháp này trong phẫu thuật chuyển giới và khiến kỹ thuật này trở nên nổi tiếng. Bác sĩ Kamol ở Thái Lan cũng là một trong số ít bác sĩ có khả năng thực hiện PPT.

Trong quá trình thực hiện PPT, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch những đường nhỏ trên bụng Amy, khiến mô khoang bụng cô mở ra. Khoảng không gian giữa ruột và đường dẫn nước tiểu được mở ra và mô khoang bụng được kéo xuống giữa ruột và ống đái, tạo thành âm đạo.

Vì sao Thái Lan là điểm đến ưa thích của người chuyển giới? ảnh 3Một cuộc phẫu thuật chuyển giới do bác sĩ Thep thực hiện. (Nguồn: Globe and Mail)

Sau khi thêm vào một ống thông, tinh hoàn sẽ được loại bỏ. Dương vật được cẩn trọng cắt đi, phần da ở bìu dái được tạo hình thành môi âm đạo và phần gốc dương vật trở thành âm vật. Cả quá trình sẽ được thực hiện trong vòng 5 tới 6 tiếng.

Nhiều bệnh nhân lựa chọn PPT vì bác sĩ sẽ có nhiều mô để tạo chiều sâu cho âm đạo, mặc dù kỹ thuật đảo ngược dương vật trước đây cũng đưa ra kết quả là âm đạo giả có chiều sâu giống âm đạo thật.

Sau quá trình phẫu thuật, Amy cần phải sử dụng nong trong vòng ít nhất 5 năm đầu tiên để giữ ống âm đạo mở. Và hầu hết các bệnh nhân cần nong 1-2 lần sau mỗi tháng. Hoạt động này sẽ kéo dài tới hết đời họ.

Tất nhiên, phẫu thuật chuyển giới giống như mọi loại hình phẫu thuật khác, luôn có rủi ro đi kèm. Khi một ca phẫu thuật chuyển giới được đặt vào tay một bác sĩ thiếu kinh nghiệm, kết quả có thể không được như mong muốn.

Một trường hợp điển hình là ca phẫu thuật thất bại do bác sĩ người Mỹ Kathy Rumer thực hiện vào năm 2010. Hannah Simpson, một bệnh nhân của bác sĩ Rumer, phát hiện mô ở gần bộ phận sinh dục bị phân hủy do thiếu máu chỉ một tuần sau phẫu thuật.

Cô chia sẻ rằng bác sĩ Rumer đã bác bỏ những lo lắng của bản thân cô, khẳng định những gì đang xảy ra là bình thường. Tuy nhiên, mọi chuyện ngày càng tệ đi và cuối cùng âm vật của cô bị hoại tử. Được biết Hannah không phải bệnh nhân duy nhất gặp tai họa sau khi được Rumer phẫu thuật chuyển giới. Nhưng tới nay ông này vẫn được hành nghề mà không đối mặt với rắc rối pháp lý nào.

Thái Lan với bề dày lịch sử trong lĩnh vực phẫu thuật chuyển giới là một trong những yếu tố then chốt thu hút lượng lớn bệnh nhân toàn cầu. Bác sĩ Preecha là thầy của nhiều bác sĩ phẫu thuật chuyển giới lừng danh: bác sĩ Chettawut Tulayaphanich, bác sĩ Suporn Watanyusakul và bác sĩ Kamol.

Nhưng dù nổi tiếng toàn cầu, không phải 100% các ca phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan đều thành công. Năm 2018, một streamer người Mỹ có tên Maria Creveling đã nhờ một bác sĩ Thái Lan giấu tên thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Kết quả là ca phẫu thuật gây tổn thương hệ thần kinh vùng xương chậu của Maria và khiến cô chịu nhiều cơn đau dai dẳng. Tháng 12/2019, cô đã chết trong giấc ngủ ở tuổi 24, dù nguyên nhân dẫn tới cái chết của cô vẫn chưa được làm rõ.

Chi phí khổng lồ sau các cuộc phẫu thuật chuyển giới

Vì lý do an toàn, nhiều người muốn phẫu thuật chuyển giới đã tìm tới bác sĩ Suporn và người kế nhiệm ông là bác sĩ Chayamote “Bank” Chyangsu - bởi thanh danh cùng kỹ thuật phẫu thuật hoàn hảo của họ.

Bệnh viện Suporn được nhiều bệnh nhân cho rằng là một trong những nơi tuyệt vời nhất để thực hiện phẫu thuật chuyển giới trên toàn thế giới. Rae, một phụ nữ chuyển giới từ Canada, đã từ chối phẫu thuật chuyển giới thông qua hệ thống y tế công ở nước cô, để tìm gặp bác sĩ Suporn.

Cô chia sẻ: “Bạn chỉ có một cơ thể. Tôi biết rằng nhiều người không có đủ khả năng tài chính. Nhưng với tôi, tôi không mua laptop giả, hay iPhone nhái. Tôi mua đồ chính hãng. Tôi luôn muốn những gì tốt nhất”.

Bên cạnh đó, bệnh viện Suporn còn cung cấp dịch vụ “phẫu thuật thẩm mỹ” hay phẫu thuật chỉnh sửa miễn phí. Điều đó giúp bệnh nhân có cảm giác rằng bác sĩ phẫu thuật luôn đề cao chất lượng hơn lợi nhuận.

Tuy nhiên cái giá của dịch vụ chất lượng cao chưa bao giờ là rẻ. Tổng chi phí phẫu thuật tại bệnh viện Suporn, tính cả vé máy bay, có thể lên tới 25.000 USD. Điều này khiến bác sĩ Suporn là bác sĩ phẫu thuật chuyển giới thu phí cao nhất tại Thái Lan.

Vì sao Thái Lan là điểm đến ưa thích của người chuyển giới? ảnh 4Bác sĩ Preecha Tiewtranon, người thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên ở Thái Lan vào năm 1975. (Nguồn: Globe and Mail)

Không phải ai cũng thu phí cao như bác sĩ Suporn. Thực tế, chi phí hợp lý, dù không phải nguyên do quan trọng nhất, vẫn khiến Thái Lan là nơi lý tưởng để phẫu thuật chuyển giới.

Penny Gold là một cô gái lớn lên trong một cộng đồng Do Thái chính thống khép kín ở Israel. Bí bách trong một cộng đồng không khuyến khích việc thể hiện bản thân, Penny quyết định rời đi vào năm 20 tuổi. Vài năm sau, cô dọn tới sinh sống tại New York. Nhận ra giới tính đang có không giống với mong muốn của bản thân, cô quyết định phẫu thuật chuyển giới.

Hành nghề tự do, Penny không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, cũng không có một khoản tiền lớn để phẫu thuật chuyển giới, bởi tổng chi phí có thể lên tới 50.000 USD ở Mỹ. Nhưng số tiền đang có lại đủ để cô thực hiện ước mơ ở Thái Lan. Cô tới đây vào tháng 3/2020, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới coi COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Cô là bệnh nhân đầu tiên của Thẩm mỹ viện Preecha trong điều kiện giãn cách xã hội.

Một cuộc sống mới sau phẫu thuật thẩm mỹ

Lần đầu Amy được ngồi dậy là ba ngày sau ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật của cô đã thành công, nhưng cô còn quá trình phục hồi hậu phẫu kéo dài.

“Khi tỉnh dậy, tôi có thể cảm nhận cơ thể của mình đã thay đổi. Nhưng tôi cũng chỉ thấy bình thường rằng giờ đây mọi thứ đã khác biệt. Không có cảm xúc đặc biệt nào cả”, cô chia sẻ.

Đa phần các bệnh nhân sẽ dành nhiều ngày chỉ nằm trên giường bệnh và sử dụng thuốc giảm đau liên tục. Sau một tuần, Amy xuất viện và được đưa tới một khách sạn có liên kết với bệnh viện thẩm mỹ Kamol.

Amy vẫn phải sử dụng ống thông, nhưng cô thấy vui khi cầm túi nước tiểu đi quanh khách sạn. Mỗi ngày, cô sẽ tới bệnh viện 2 lần để kiểm tra và thực hiện nong âm đạo mới. Trong lần đầu tiên, cô đau tới phát khóc, nhưng mỗi lần sau đó, cô lại thấy đỡ hơn.

Có lẽ việc ngừng sử dụng liệu pháp hormone thay thế khiến cô dễ khóc hơn trước. Bệnh nhân được hướng dẫn ngừng liệu pháp hormone thay thế khoảng 3 tuần trước khi phẫu thuật và được sử dụng lại vài tuần sau khi phẫu thuật.

Hai tháng sau phẫu thuật, Amy đã quay trở lại Anh. Sau phẫu thuật, mặc dù phải gặp những bất tiện nhất định, như phải làm thủ thuật nong âm đạo thường xuyên, nhưng Amy thấy vui vì người thân đã nhận ra một điểm khác biệt quan trọng: cô thấy tự tin hơn nhiều. Chính điều này đã khiến Amy hài lòng với kết quả của ca phẫu thuật chuyển giới và sẵn sàng để bắt đầu một cuộc sống mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục