Việt Nam phấn đấu nâng tín nhiệm lên "hạng Đầu tư" vào năm 2030

Việc tiếp tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.
Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030,” ngày 13/5. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030,” ngày 13/5. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết để đạt được các mục tiêu cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm, như sức mạnh kinh tế và tài khóa đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế cũng như khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030,” ngày 13/5, ông Long cho hay nhận thức được tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia đến năm 2020. Kết quả, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng trong giai đoạn 2013-2021 đã có nhiều cải thiện qua các năm.

"Điều này góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đa dạng hóa nguồn tài chính, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam,” ông Long nói.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng ban hành quyết định phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030,” ngày 31/3/2022 với mục tiêu phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng Đầu tư.  

Việt Nam phấn đấu nâng tín nhiệm lên "hạng Đầu tư" vào năm 2030 ảnh 1 Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác chính thức với cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch.

Trong giai đoạn vừa qua, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch và S&P đánh giá Việt Nam đạt mức BB và Moody’s là mức Ba3 đồng thời cả ba tổ chức đều nhận định Việt Nam ở triển vọng Tích cực.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014 với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi.

Vì vậy, theo ông Long, việc tiếp tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của Đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia đồng thời gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Ông Long nhấn mạnh việc củng cố các yếu tố cấu thành xếp hạng tín nhiệm của một quốc gia là động lực chính để cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bên cạnh đó, việc thường xuyên duy trì đánh giá xếp hạng tín nhiệm sẽ thúc đẩy tiếp tục cải cách sâu rộng các lĩnh vực này.

Liên quan trực tiếp đến vay nợ, ông Long trao đổi việc nâng bậc tín nhiệm sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ và doanh nghiệp vay vốn trong nước và quốc tế với chi phí hợp lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao sự phê duyệt kịp thời của Chính phủ trong việc tiếp tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong đó có mục tiêu nâng hạng của Việt Nam lên mức Đầu tư vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam phải giải quyết được bài toán tránh bẫy thu nhập trung bình, thích ứng với các cú sốc kinh tế và biến đổi khí hậu…

Ông Andrew Jeffries khẳng định ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ để thực hiện mục tiêu nâng hạng của Việt Nam lên mức Đầu tư vào năm 2030.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần chung tay, nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các chiến lược ngành, lĩnh vực, triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu Đề án, góp phần phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên hạng Đầu tư,” ông Long nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục