Vĩnh Phúc: Một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng

Kiểm tra, giám sát các chương trình mục tiêu y tế tại Vĩnh Phúc

Một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư... làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí xã hội để phòng, điều trị cho nhóm bệnh này.
Kiểm tra, giám sát các chương trình mục tiêu y tế tại Vĩnh Phúc ảnh 1Bác sỹ đo huyết áp cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 30/7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế Vĩnh Phúc về nội dung giám sát triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đa số các bệnh truyền nhiễm ghi nhận trên địa bàn có xu hướng giảm trong những năm gần đây và không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm... Tuy nhiên, một số bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư... làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí xã hội để phòng, điều trị cho nhóm bệnh này.

[Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra giám sát phòng chống bệnh sốt xuất huyết]

Trong công tác tiêm chủng mở rộng, các năm qua, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh đạt 98,9%, cao hơn trung bình của toàn quốc (95%). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắcxin Viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là 85%, đạt chỉ tiêu giao. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vắcxin phòng uốn ván là 98%, đạt chỉ tiêu giao.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắcxin mới đạt 35,4% kế hoạch của năm, giảm hơn so với cùng kỳ của năm trước (6 tháng của năm 2018 đạt 49%).

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc lý giải, nguyên nhân là do việc chuyển đổi vắcxin 5 trong 1 ComBe Five trong thời gian đầu năm, dẫn tới thiếu hụt vắcxin tiêm cho trẻ. Mặt khác, do tâm lý người dân vẫn còn e ngại khi triển khai tiêm vắcxin mới về độ an toàn cũng như những phản ứng có thể xảy ra ở trẻ.

Phân tích về những khó khăn khi thực hiện chương trình mục tiêu-y tế dân số, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, tuy đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhưng tỷ lệ trẻ em bị suy sinh dưỡng thể béo, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cải thiện chậm.

Đặc biệt vẫn còn tình trạng một số ít đơn vị thực hiện cung cấp xuất ăn tại các bếp ăn ở trường học vẫn chưa thực sự chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, còn có tình trạng sử dụng nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ vào bữa ăn cho trẻ.

Đáng lưu ý, nhiều trạm y tế còn thiếu thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có không thường xuyên ảnh hưởng đến công tác điều trị. Nhiều trạm y tế còn thiếu cân, thước, máy đo huyết áp, máy tiểu đường... phục vụ công tác khám chữa bệnh. Máy đo huyết áp có trung bình 2 cái/trạm, chưa đủ cho y tế thôn bản để làm công tác khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân tăng huyết áp.

Kiểm tra, giám sát các chương trình mục tiêu y tế tại Vĩnh Phúc ảnh 2Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế Vĩnh Phúc về nội dung giám sát triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, về công tác tài chính, còn vướng mắc là việc thông báo kinh phí chương trình muộn nên thời gian triển khai chương trình ngắn, gây khó khăn khi triển khai. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị hàng năm, các đơn vị đầu mối ở Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện chuyên môn sớm để thuận lợi cho địa phương lập kế hoạch, trình cấp kinh phí để triển khai có hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Ông Nguyễn Công Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Trưởng đoàn giám sát của Bộ Y tế cho hay, các chỉ số chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầy đủ, nhiều kết quả đã đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ giải ngân đều trên 80%.

Sở Y tế Vĩnh Phúc cần xác định lại nhiệm vụ trọng tâm về công tác y tế dân số trong giai đoạn 2019-2020 để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, năm cuối của giai đoạn, vì chỉ còn hơn 1 năm thực hiện. Bên cạnh đó, ngành y tế của tỉnh cần chủ động phối hợp với sở kế hoạch đầu tư, sở tài chính để phối hợp chặt chẽ hơn, tránh tình trạng gián đoạn chậm chễ việc phân bổ kinh phí.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu y tế - dân số, Chương trình sức khoẻ Việt Nam, Chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm và y tế cơ sở, tỉnh cần thực hiện lồng ghép các chương trình trên trong công tác nâng cao việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

“Ngành y tế Vĩnh Phúc cần duy trì hệ thống nhân viên y tế thôn bản cộng tác viên, bởi trong giai đoạn 2016-2020 do chính sách về tài chính, mức hưởng thấp gây nên tình trạng nhiều cộng tác viên ngành y tế ở tuyến thôn bản rời bỏ công việc, dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực ở tuyến y tế cơ sở. Vì vậy, các địa phương nên lồng ghép, mỗi thôn bản chỉ cần có 1 nhân viên y tế làm công tác truyền thông để truyền tải các vấn đề của chương trình mục tiêu,” ông Sinh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục