Vụ 4 tiếp viên: Phá án không lọt tội phạm, không oan người vô tội

TP.HCM: Phá án ma túy không bỏ lọt tội phạm, không oan người vô tội

Trả lời ý kiến lo ngại vụ 4 tiếp viên hàng không mang ma túy từ Pháp về VN được thả tự do sẽ tạo ra tiền lệ xấu, cơ quan công an TP.HCM khẳng định: Phá án không lọt tội phạm, không oan người vô tội.
TP.HCM: Phá án ma túy không bỏ lọt tội phạm, không oan người vô tội ảnh 1Kiểm đếm lô hàng chất ma túy được giấu trong những tuýp kem đánh răng bị thu giữ từ hành lý của 4 tiếp viên hàng không ngày 16/3. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 30/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn.

Trước dư luận về vụ án ma túy có liên quan đến 4 tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines có thể tạo tiền lệ xấu khi “ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết để chối tội,” Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các tội danh về ma túy bị pháp luật xử lý rất nghiêm khắc. Do đó, đối tượng tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để che giấu hành vi, qua mặt cơ quan chức năng điều tra.

Tuy nhiên, dù thủ đoạn nào thì trách nhiệm của lực lượng Công an, trong đó có lực lượng điều tra án ma túy, phải làm rõ hành vi, bản chất vụ án để không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Thượng tá Lê Mạnh Hà lấy dẫn chứng, mới đây Công an quận Gò Vấp đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan vụ gài ma túy vào xe và nhà một cô gái bán chó mèo cảnh rồi báo Công an để hãm hại nạn nhân, do tư thù cá nhân.

Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra kỹ lưỡng minh oan cho nạn nhân và bắt đúng đối tượng.

“Đây là bằng chứng cho thấy việc đấu tranh với loại tội phạm này là trách nhiệm để không làm oan người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm,” Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết đối với vụ việc 4 tiếp viên hàng không trong hành lý có ma túy, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và đang tiến hành điều tra, có kết quả sẽ thông tin.

[Khởi tố vụ án tiếp viên hàng không mang 157 tuýp kem chứa ma túy]

Trước đó, TTXVN đưa tin vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60kg gồm 4 vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Sau đó, Hải quan phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy-Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy-Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 4 vali có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.

TP.HCM: Phá án ma túy không bỏ lọt tội phạm, không oan người vô tội ảnh 2Các tuýp kem đánh răng chứa ma túy được phát hiện trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiến hành kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, lực lượng chức năng phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại.

Ngày 17/3, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuyển giao hồ sơ và vật chứng của vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Về tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết báo chí đã phản ánh nhiều vụ việc mạo danh giáo viên, nhân viên y tế báo tin cho phụ huynh về việc học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí.

Bên cạnh đó là tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bảo hiểm, nhân viên viễn thông… bịa đặt thông tin, hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ việc đang bị điều tra khiến nạn nhân hoang mang.

Điểm chung của các đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền để đảm bảo hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý các đối tượng tội phạm có hàng chục thủ đoạn khác nhau để lừa đảo người dân.

Sau khi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo không trực tiếp đến ATM để rút tiền mà chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng khác nhau bằng dịch vụ Internet banking.

Đường đi của dòng tiền lừa đảo được các đối tượng trong băng nhóm chuẩn bị, tính toán kỹ để đối phó cơ quan Công an điều tra, truy vết.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, nhận thức các thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu qua điện thoại.

Khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân nhanh chóng liên hệ với người thân xung quanh, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn, làm rõ; đồng thời trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được nhận giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục