Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm không nhận tội

Brenton Tarrant trước đó bị cáo buộc 51 tội danh giết người và 40 tội danh mưu sát trong vụ tấn công gây chấn động thế giới và phá vỡ không khí yên bình của New Zealand.
Vụ xả súng tại New Zealand: Nghi phạm không nhận tội ảnh 1Đối tượng được cho là Brenton Tarrant tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/9/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Brenton Tarrant, nghi phạm bị buộc tội trong vụ khủng bố tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand hồi tháng Ba vừa qua, đã không nhận tội đối với các tội danh giết người và khủng bố.

Tại Tòa Thượng thẩm Christchurch luật sư Shane Tait thông báo nghi phạm Tarrant không "nhận tội đối với tất cả các cáo buộc." Trong khi đó, nghi phạm xuất hiện qua đường truyền hình ảnh trực tiếp từ nhà tù Auckland, cơ sở canh gác nghiêm ngặt nhất New Zealand.

Tarrant trước đó bị cáo buộc 51 tội danh giết người và 40 tội danh mưu sát trong vụ tấn công gây chấn động thế giới và phá vỡ không khí yên bình của New Zealand.

Khoảng 80 người sống sót cùng thân nhân của các nạn nhân trong vụ xả súng đã có mặt tại phiên tòa để chứng kiến việc xét xử bị cáo Tarrant.

[Xả súng New Zealand: Cáo buộc thủ phạm tội danh khủng bố, giết người]

Thẩm phán Cameron Mander cho biết phiên xét xử bắt đầu vào ngày 4/5 và có thể kéo dài trong khoảng sáu tuần hoặc lâu hơn do quy mô và tính chất phức tạp của vụ án. Ông cho biết tòa đánh giá nghi phạm có đủ sức khỏe tinh thần để ra hầu tòa dựa trên kết quả kiểm tra tại phiên tòa hôm 5/4 vừa qua.

Ngày 15/3 vừa qua, Tarrant, người Australia, 28 tuổi, đã xả súng vào các tín đồ Hồi giáo đang đi lễ ngày thứ Sáu hằng tuần tại đền thờ Al Noor ở trung tâm thành phố Christchurch trước khi tiếp tục di chuyển tới tấn công một đền thờ khác ở khu ngoại ô Linwood.

Phần lớn trong số 51 nạn nhân thiệt mạng là người nhập cư và công dân các nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somalia... Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand.

Đối tượng Tarrant tự nhận là một người ủng hộ thuyết "người da trắng thượng đẳng." Tên này đã đăng tải trên mạng một thư ngỏ nói về niềm tin cực đoan của mình vào tư tưởng "da trắng thượng đẳng" trước khi khi thực hiện vụ tấn công, cũng như đăng trên mạng xã hội đoạn băng hình livestream vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Kể từ sau vụ xả súng, New Zealand đã siết chặt các luật về súng đạn và đang xem xét lại các quy định về xử lý những phát ngôn thù hận. Quốc gia này cũng dẫn đầu nỗ lực quốc tế hối thúc các nền tảng truyền thông xã hội hành động mạnh mẽ hơn chống lan truyền chủ nghĩa cực đoan trên những phương tiện trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục