Vực dậy nghề trồng nho truyền thống tại tỉnh Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp khôi phục phát triển nghề trồng nho theo hướng an toàn, bền vững, diện tích trồng nho ở tỉnh hiện đạt gần 800ha.

Nho là cây trồng truyền thống và là dòng cây đặc sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, cho đến nay diện tích trồng nho của tỉnh vẫn luôn biến động và phát triển chậm; việc quản lý phát triển thương hiệu nho còn nhiều hạn chế; người dân tổ chức trồng, chế biến ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng chuyên canh nho an toàn, chất lượng.

Trước thực trạng này, Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp khôi phục phát triển nghề trồng nho theo hướng an toàn, bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong nhiều năm qua, diện tích trồng nho trên địa bàn tỉnh luôn giảm; đặc biệt, sau những trận bão lụt năm 2010, diện tích nho trên địa bàn giảm còn hơn 750ha trong năm 2011. Thời gian gần đây, diệ tích nho có chiều hướng tăng, nhưng ở mức độ rất chậm.

Tính đến nay, diện tích trồng nho ở Ninh Thuận đạt gần 800ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; năng suất nho thu hoạch đạt 16,87 tấn/ha (tăng 1,66 tấn/ha so với năm 2013), sản lượng 11.000 tấn (tăng 10,9% so cùng kỳ).

Nho Ninh Thuận được trồng nhiều nhất là giống nho đỏ (Red Cardinal). Hiện nay, tỉnh đã đưa giống nho xanh (NH 01-48) và nho đen (Black Queen) vào sản xuất, theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2012, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã đưa giống tuyển chọn là NH 01-152 và NH 01-153 trồng thử nghiệm, bước đầu cho kết quả khả quan về năng suất, màu sắc và hương vị. Viện còn xác định được nhiều giống nho tốt dự kiến sẽ chuyển giao trong thời gian tới như 14 giống nho ăn tươi có năng suất trung bình trên 10 tấn/ha/vụ; 7 giống nho dùng để chế biến rượu với năng suất từ 10-14 tấn/ha/vụ; 3 giống nho không hạt với năng suất 10-11 tấn/ha/vụ.

Nhiều hộ nông dân trong tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng quy trình thâm canh nho, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng; hình thành tập quán canh tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các sản phẩm nho vào các siêu thị Coop Mart, Metro… tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Gia đình ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước từ bỏ lối canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng cách đưa các chế phẩm sinh học và phân vi sinh vào thay thế các loại thuốc sâu, phân bón hóa học, thực hiện sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap. Vì vậy, năng suất nho tăng lên rõ rệt, sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, được cấp giấy chứng nhận Việt GAP từ năm 2010. Tuy nhiên, con số đó còn rất nhỏ, đa phần người nông dân chỉ áp dụng một số khâu cơ bản, không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất nho, dù biết việc ứng dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất sẽ cho năng suất, hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020”, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục xác định nho là cây trồng chủ lực của tỉnh, phát triển diện tích trồng nho lên 2.000 ha, sản lượng 41.000 tấn vào năm 2015 và 2.500 ha, sản lượng 60.000 tấn vào năm 2020. Tỉnh có hướng tập trung phát triển cây nho tại các vùng thích nghi cao; đầu tư quy hoạch vùng trồng nho gắn với cơ sở hạ tầng thuộc Dự án an toàn sản phẩm nho Ninh Thuận, đảm bảo đến 2015 có 30% sản lượng nho đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ViệtGAP); xây dựng thương hiệu và các liên kết, hợp tác theo chuỗi ngành hàng giữa người trồng nho, nhà chế biến, nhà tiêu thụ để nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận Lê Kim Hùng cho biết ngày 7/2/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho với khu vực địa lý gồm: thị trấn Phước Dân, xã Phước Thuận, xã Phước Sơn, xã Phước Hữu thuộc huyện Ninh Phước và xã Phước Nam thuộc huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận).

Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho Ninh Thuận. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã thành lập Hiệp hội Nho để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Nho thực hiện dự án cấp Trung ương giai đoạn 2 dự án "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho" nhằm triển khai công tác quản lý, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh quảng bá dấu hiệu nhận biết các sản phẩm nho Ninh Thuận; tiếp tục mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý ra các vùng trồng nho trên toàn tỉnh; xúc tiến, quảng bá, xác lập vị thế và uy tín của các sản phẩm nho mang nguồn gốc xuất xứ sản xuất tại Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đang tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển cây nho dựa trên những kết quả nghiên cứu nhiều năm về giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nho; nhân nhanh giống nho NH 01-48, NH 01-152, phục tráng giống nho đỏ Red Cardinal, tuyển chọn giống có đặc tính tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, có năng suất cao ổn định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản nho tươi nhằm kéo dài thời gian bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, đảm bảo phẩm chất đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm; áp dụng quy trình chế biến vang nho sau thu hoạch góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trồng nho; chuyển giao trực tiếp tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản nho tươi và chế biến sản phẩm vang nho cho nông dân trồng nho và các cơ sở dịch vụ thương mại kinh doanh tiêu thụ quả nho; áp dụng các biện pháp thâm canh cây nho bằng các chế phẩm hữu cơ sinh học, phòng trừ dịch hại tổng hợp nhằm giảm dư lượng chất hoá học trên nho và tồn lưu trong đất; đồng thời chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đã được kết luận từ kết quả nghiên cứu khoa học khẳng định cho sự thành công của nghề trồng và chế biến nho.

Các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp với chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật của Trung ương tiếp tục đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, bảo quản, chế biến sản phẩm nho tươi cho các hộ trồng nho theo hướng VietGAP; quan tâm liên kết mối quan hệ của của 5 nhà (nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà ngân hàng, nhà tiêu thụ, nhà nông dân); tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các hợp tác xã và Hiệp hội sản xuất, kinh doanh nho...

Lễ hội Nho và Vang quốc tế - Ninh Thuận 2014 sắp diễn ra tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận sẽ là ngày hội giao thương giữa nông dân trồng nho và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nho và vang. Đây cũng là cơ hội để Ninh Thuận tìm ra phương án tối ưu cho việc phát triển nghề trồng nho và sản xuất vang nho; đồng thời giới thiệu tiềm năng kinh tế, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục