Vùng hồ Hòa Bình đảm bảo an toàn đường thủy nội địa mùa lễ hội

Hiện nay trên tuyến đường thủy lòng hồ sông Đà (Hòa Bình) có 185 phương tiện thủy đăng ký hoạt động chuyên chở khách du lịch, tham quan, lễ hội.
Vùng hồ Hòa Bình đảm bảo an toàn đường thủy nội địa mùa lễ hội ảnh 1Các tàu du lịch tham gia vận chuyển khách tại các cảng Bích Hạ, Thung Nai... tham quan lòng hồ Hoà Bình đều phải đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Từ mùng 4 Tết Nguyên đán đến hết tháng Ba Âm lịch hằng năm là thời điểm người dân thập phương đi lễ đền Chúa Thác Bờ cũng như vãn cảnh khu vực lòng hồ sông Đà.

Chính vì vậy, đây là thời điểm hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa sôi động, phức tạp nhất trong năm, đòi hỏi những người "giữ bình yên sông nước” phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bất kể ngày, đêm để đảm bảo từng chuyến tàu được lưu thông an toàn.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên vùng lòng hồ sông Đà mùa lễ hội năm 2022, với phương châm kiên quyết không để các phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn hoạt động, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực 2 tại Hoà Bình tổ chức rà soát, thống kê, yêu cầu các phương tiện vận tải hành khách không đảm bảo an toàn phải rời bến.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thiếu tá Bạch Công Thi, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hoà Bình cho biết với chủ trương mở cửa trở lại đón khách du lịch tham quan, lễ hội đền Chúa Thác Bờ dịp đầu Xuân trong điều kiện bình thường mới, xác định năm 2022 là năm lượng du khách trở lại đền Chúa Thác Bờ sẽ lớn hơn, ngay khi bước vào mùa lễ hội, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã chủ động mở các buổi tuyên truyền quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy cho các chủ bến tàu du lịch.

Đặc biệt là một số quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 3, điều 34 Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức cho từng chủ phương tiện ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; thường xuyên đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về mang mặc áo phao, trang bị các phương tiện, thiết bị nổi, cứu sinh trên các phương tiện chở khách; theo dõi, nắm bắt để kịp thời, phát hiện, xử lý nghiêm các chủ phương tiện cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, ngoài việc chỉ huy, sắp xếp các phương tiện thủy ra vào bến đón trả khách, cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực 2, Chi nhánh Hòa Bình còn giám sát chặt chẽ, nhắc nhở du khách khi lên tàu nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, mang mặc áo phao đầy đủ. Bất cứ tàu nào còn hành khách chưa mặc áo phao thì chưa được phép xuất bến.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng kiểm tra, kiểm soát kỹ các thiết bị an toàn của tàu và tất cả các chứng chỉ hành nghề người làm chuyên môn trên tàu; yêu cầu các chủ thuyền thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Du khách Hoàng Văn Tuyến - Công ty dược phẩm Hoàng Kim (Bắc Giang) cho biết: "Nhiều năm nay, cứ dịp sau Tết Nguyên đán là cả gia đình tôi đi lễ hội đền Bờ. Năm 2022, công tác trật tự an toàn giao thông trên tuyến được chuyển biến rõ rệt, không còn tình trạng chủ thuyền chở quá số người quy định và du khách không mặc áo phao. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ. Trước khi đến với Lễ hội đền Chúa Thác Bờ, gia đình tôi cùng anh em trong công ty đã thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; tiêm đủ các mũi vaccine và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên."

Hiện nay trên tuyến đường thủy lòng hồ sông Đà (Hòa Bình) có 185 phương tiện thủy đăng ký hoạt động chuyên chở khách du lịch, tham quan, lễ hội.

Vùng hồ Hòa Bình đảm bảo an toàn đường thủy nội địa mùa lễ hội ảnh 2Lực lượng Cảng vụ Hoà Bình kiểm tra công tác đảm bảo an toàn của hành khách trước khi tàu rời bến. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tuy nhiên, qua kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trước khi bước vào mùa lễ hội năm 2022, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy cùng với Cảng vụ đường thuỷ nội địa Khu vực 2 tại Hoà Bình đã lập biên bản đình chỉ, cấm hoạt động đối với 25 phương tiện thủy không đảm bảo các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, chở khách.

Tính từ ngày 4/2/2022 (tức mùng 4 tết Nguyên đán Nhâm Dần) đến ngày 15/2/2022, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khoảng 10 trường hợp với số tiền hơn 30 triệu đồng về việc không có áo phao, phương tiện nổi khi tham gia giao thông trên tàu thuyền.

Theo Thiếu tá Bạch Công Thi, những phương tiện được lập danh sách, niêm yết, thông báo công khai, rộng rãi tại các bến cảng và bị đình chỉ, cấm hoạt động chở khách đều là phương tiện cũ, nhỏ, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn khi tham gia giao thông và hoạt động chở khách trên tuyến đường thủy.

Khi được hỏi về phương tiện thuyền chở khách đang dừng hoạt động tại Bến du lịch Ngòi Hoa, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (Hoà Bình), anh Sơn-chủ phương tiện bộc bạch: "Phương tiện thuyền chở khách của gia đình có một số thiết bị hỏng hóc chưa được khắc phục, sửa chữa; đầu năm 2022, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện, lập biên bản, đình chỉ hoạt động. Đây là lỗi chủ quan nên chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho du khách và bản thân khi tham gia giao thông trên tuyến đường thủy."

Thiếu tá Bạch Công Thi cho biết thêm để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các chủ phương tiện trước khi rời bến, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ và các đơn vị chức năng đã duy trì tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa đối với phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên sông Đà và hồ Hòa Bình.

Đặc biệt, lực lượng chức năng xử lý quyết liệt khi có phương tiện không có đăng ký hoặc hết hạn đăng kiểm. Với chủ phương tiện cố tình vi phạm, ngoài xử lý vi phạm hành chính, lực lượng chức năng còn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 1-2 tháng và lập biên bản giao chủ phương tiện tự trông giữ tại cảng, bến đăng ký neo đậu...

Với sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và các đơn vị chức năng, nhiều năm qua, trên địa bàn Hoà Bình không có tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng. Thực tế đó đòi hỏi lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ nội địa phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường xử lý vi phạm và chủ động nắm chắc tình hình giao thông trên tuyến…

Tuy nhiên, mỗi hành khách khi tham gia trên các phương tiện giao thông đường thủy cũng cần nêu cao ý thức, chấp hành tốt các quy định, nhằm đảm bảo có một mùa du lịch lễ hội trên vùng lòng hồ Hòa Bình được an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục