WEF muốn giải quyết thách thức toàn cầu trong khủng hoảng COVID-19

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình của hội nghị Davos đặt trọng tâm vào các vấn đề như tình trạng thất nghiệp, nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng...
WEF muốn giải quyết thách thức toàn cầu trong khủng hoảng COVID-19 ảnh 1(Nguồn: AFP)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2021 đã được khởi động ngày 24/1 với sự kiện trao giải thưởng Crystal được tổ chức trực tuyến do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 29/1 tới.

Với chủ đề "Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin," hơn 1.500 nhà lãnh đạo từ các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp từ hơn 70 quốc gia và khu vực sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về phương thức mà thế giới ngày nay phải đối phó với các thách thức về kinh tế môi trường, xã hội và công nghệ.

Trước lễ trao giải, nhà sáng lập WEF Klaus Schwab đã đọc diễn văn khai mạc bằng thông điệp video, khẳng định 2021 sẽ là một năm thế giới thoát khỏi đại dịch một cách "linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn."

[Bắt đầu loạt sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021]

Giải thưởng Crystal nhằm vinh danh các nghệ sỹ có đóng góp tiêu biểu để cải thiện hiện trạng của thế giới. Năm nay kiến trúc sư người Anh gốc Phi David Adjaye và nghệ sỹ nhiếp ảnh Brazil Sebastiao Salgado là những người được vinh danh.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình nghị sự của hội nghị Davos đặt trọng tâm vào các vấn đề gồm tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

WEF đang kỳ vọng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thực trực tiếp tại Singapore vào tháng Năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục