Năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh chỉ tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 130.000 xuống 70.000 người, giảm gần 50% do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Sang năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng các kịch bản tuyển chọn, phái cử lao động để ứng phó với diễn biến khó lường của COVID-19.
Không đạt các chỉ tiêu đưa lao động đi nước ngoài
Do ảnh hưởng khách quan của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc ở ngoài nước năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết hai thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Hàn Quốc chưa tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh, thị trường Nhật thì tiếp nhận hạn chế…
Theo ông Tùng, các chỉ tiêu xuất cảnh của 3/5 chương trình mà Trung tâm Lao động ngoài nước đang triển khai trong năm 2020 thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) đạt 48,6%; chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) chỉ đạt 7,45%; chương trình Đài Loan 5%; kết quả đào tạo chương trình đưa người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại Đức năm nay chỉ đạt 56,4%, trong khi các năm trước đều đạt từ 70 đến 80%.
Cùng với việc lao động đi nước ngoài làm việc giảm, số lượng lao động bị hủy hợp đồng gia tăng; số lượng lớn lao động hết hạn hợp đồng chưa về được do chưa có chuyến bay; số lượng ứng viên đăng ký tham gia các chương trình giảm do tâm lý e ngại dịch bệnh; Bản ghi nhớ Chương trình Hàn Quốc đã được thống nhất từ tháng 3/2020 nhưng đến nay chưa triển khai ký kết...
Ông Hà Xuân Tùng cho hay, để ứng phó trước tình hình dịch COVID-19, Trung tâm Lao động ngoài nước đã chủ động bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với đối tác và các cơ quan liên quan triển khai công tác quản lý và hỗ trợ người lao động giải quyết các vướng mắc, phát sinh đảm bảo ổn định sống, công việc cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thực tập sinh; Kết quả chi trả bảo hiểm cho người lao động EPS về nước năm 2020 tăng gần 40% so với năm 2019. Đặc biệt, năm 2020 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành ứng dụng kết nối người lao động đi làm việc ở nước ngoài Colab SOS.
“Đến nay đã có 8.220 người lao động cài đặt và sử dụng ứng dụng Colab SOS. Trung tâm đã hỗ trợ và giải đáp thắc mắc cho 322 lượt người lao động thông qua ứng dụng,” ông Hà Xuân Tùng nói
Xây dựng hai kịch bản ứng phó
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằngđơn vị này đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến không đạt chỉ tiêu đề ra.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh thời gian tới cần quan tâm tới các vấn đề theo dõi, dự báo nắm sát tình hình thị trường lao động để có điều chỉnh chính xác, hợp lý trong phương hướng, nhiệm vụ.
[Lao động sang Đài Loan làm việc không phải trả phí cách ly nhập cảnh]
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu Trung tâm Lao động ngoài nước xây dựng hai kịch bản về công tác tuyển chọn, phái cử, quản lý người lao động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kịch bản trong điều kiện dịch bệnh được khống chế và dịch bệnh chưa được khống chế. Từ hai kịch bản có những phương án và giải pháp đối với lao động đã trúng tuyển chưa thể xuất cảnh hay lao động hết hạn hợp đồng gặp khó khăn về nước... Công tác tuyên truyền cần làm bài bản, có kế hoạch, xác định rõ đối tượng hướng tới
“Trong thời gian chờ đợi, những lao động đã trúng tuyển có thể tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc. Ngoài ra các bạn sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu. Sau khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới là rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực thì chúng ta phải chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý./.