Xây dựng khu vực kinh tế CLMV phát triển và cạnh tranh đến năm 2030

Khung khổ phát triển CLMV là văn kiện đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, các khuyến nghị giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nước CLMV.
Xây dựng khu vực kinh tế CLMV phát triển và cạnh tranh đến năm 2030 ảnh 1Trưởng đoàn SEOM Hợp tác kinh tế CLMV và GIZ chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 12/1, tại Hà Nội, hội nghị Quan chức kinh tế cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV SEOM) lần thứ 18 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương.

Đây là cuộc họp quan trọng của cơ chế hợp tác kinh tế CLMV trong khuôn khổ chuỗi hội nghị thuộc khuôn khổ kênh hợp tác kinh tế ASEAN 2020.

Tham dự Hội nghị có Trưởng SEOM hợp tác kinh tế CLMV của các nước CLMV, đại diện Ban Thư ký ASEAN, các Bộ, cơ quan hữu quan của các nước CLMV có thành phần trong cơ chế hợp tác kinh tế CLMV.

Hội nghị do Trưởng SEOM CLMV của Lào điều hành theo cơ chế luân phiên.

[Các Bộ trưởng Kinh tế CLMV nhất trí tăng cường hợp tác]

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), nội dung hội nghị SEOM CLMV 18 tập trung vào các vấn đề chính gồm trao đổi về kế hoạch triển khai kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CMLV lần thứ 11 được tổ chức ngày 5/9 tại Bangkok, Thái Lan; rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch hành động CLMV 2019-2020; thảo luận các bước và thực hiện thủ tục cần thiết cho việc trình lên hội nghị cấp cao CLMV thông qua tài liệu “Khung khổ phát triển CLMV” đã được các Bộ trưởng Kinh tế CLMV thống nhất vào tháng 9/2019.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng trao đổi với Ban Thư ký ASEAN về tình hình triển khai Kế hoạch liên quan đến Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3 và một số vấn đề liên quan; đề nghị Ban Thư ký ASEAN tiếp tục hỗ trợ các nước CLMV trong việc kết nối với các đối tác phát triển và xây dựng kế hoạch triển khai Khung khổ phát triển CLMV sau khi được các nhà Lãnh đạo cấp cao thông qua tại hội nghị cấp cao CLMV sắp tới.

Vụ Thị trường châu Á-châu phi cho biết khung khổ phát triển CLMV là văn kiện có tính định hướng chiến lược về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV và cũng là lần đầu tiên được xây dựng kể từ khi hình thành cơ chế hợp tác CLMV.

Xây dựng khu vực kinh tế CLMV phát triển và cạnh tranh đến năm 2030 ảnh 2Trưởng đoàn SEOM Hợp tác kinh tế CLMV của Lào điều hành cuộc họp. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Văn kiện này đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, các khuyến nghị giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nước CLMV cũng như tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các nước nhằm xây dựng một khu vực kinh tế CLMV phát triển và có sức cạnh tranh đến năm 2030.

Hội nghị cũng đã dành thời gian thảo luận tình hình triển khai một số dự án do các đối tác phát triển tài trợ và hỗ trợ các nước CLMV trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực. Đó là các dự án về đánh giá khung pháp lý hiện tại về thương mại điện tử tại Campuchia; Lào, Myanmar, Việt Nam do Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản.

Mặt khác, tăng cường xây dựng năng lực khoa học và công nghệ thông qua hợp tác giữa Đại học Công nghệ Madalay (Myanmar) và Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (dự án do Ấn Độ tài trợ).

Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh giai đoạn 2 (dự án do New Zealand tài trợ); hỗ trợ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) trong khuôn khổ Thị trường đơn nhất (ASEAN Single Market), dự án do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Cuối cùng là thúc đẩy cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (ASEAN COMPETE), dự án do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi chia sẻ thêm trước đó, theo sáng kiến của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia, hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần đầu tiên được tổ chức ngày 28/8/2010 tại Đà Nẵng nhân dịp hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV (CLMV EMM) được tổ chức thường niên, bên lề hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và sẽ thông qua chương trình hành động hàng năm của các nước thành viên và đề ra phương hướng hợp tác CLMV trong năm tới.

Các chương trình hành động tập trung vào 3 lĩnh vực gồm kinh tế-thương mại; phát triển nguồn nhân lực và cơ chế phối hợp. Mục tiêu đề ra của cơ chế hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV nhằm tăng cường phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước CLMV; tăng cường hội nhập khu vực; nâng cao vai trò các nước CLMV trong chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN.

Hội nghị Quan chức kinh tế cấp cao CLMV (CLMV SEOM) được tổ chức 2 lần/năm, bên lề các hội nghị SEOM ASEAN có trách nhiệm rà soát, thực thi các chương trình hành động; đồng thời đề xuất định hướng và chương trình hành động trong thời gian tới, báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục