Xây dựng "ngân hàng địa chỉ nhân đạo" cho các nhà hảo tâm

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ cùng nhau xây dựng "ngân hàng địa chỉ nhân đạo" để gửi tới các nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ đối tượng chính sách thoát nghèo.
Xây dựng "ngân hàng địa chỉ nhân đạo" cho các nhà hảo tâm ảnh 1Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký kết chương trình phối hợp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ những đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, trẻ em, người có công. Đặc biệt, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng "ngân hàng địa chỉ nhân đạo" để gửi tới các nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ.

Đây là một trong những nội dung chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong công tác nhân đạo giai đoạn 2017-2020 vừa được ký kết ngày 6/7 tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết với gần 8,5 triệu hội viên, tình nguyện viên có mặt khắp các tỉnh thành trên cả nước và thế mạnh vận động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội, Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện hiệu quả nhiều công tác hỗ trợ an sinh, các gia đình chính sách, người có công.

“Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng phối hợp xây dựng 'ngân hàng địa chỉ nhân đạo' gửi cho các đối tác, nhà tài trợ. Đây sẽ là cầu nối giúp các nhà hảo tâm đồng hành cùng thực hiện các chính sách của nhà nước, tăng thêm nguồn lực giúp các đối tượng chính sách thoát nghèo, đảm bảo cuộc sống,” bà Nguyễn Thị Xuân Thu nói.

Đánh giá cao các sáng kiến hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, rất nhiều sáng kiến hỗ trợ người nghèo, trẻ em, người có công của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hiệu quả và trở thành mô hình lan rộng khắp trên toàn quốc. Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nội dung công việc tương đồng, cùng mục đích và đối tượng trong nhiều hoạt động, chỉ khác nhau cách tổ chức.

Để chung tay thực hiện tốt công tác nhân đạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gỡ những vướng mắc trong chính sách, tạo điều kiện để hoạt động hỗ trợ nhân đạo nào Hội đang làm tốt thì giao cho Hội thực hiện.

“Muốn các chủ trương, chính sách đến với dân nhanh nhất thì các sở, địa phương cần mạnh dạn giao cho Hội Chữ thập đỏ thực hiện. Ngay sau khi ký kết, hai cơ quan sẽ cụ thể hoá chương trình phối hợp, thống nhất những hoạt động thiết thực trong năm 2018,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo chương trình phối hợp trong giai đoạn 2017-2020, hai cơ quan sẽ cùng vận động nguồn lực cho các hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, các đối tượng chính sách, người có công với các chương trình cụ thể như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình trợ giúp xã hội, thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chât độc da cam”, “Ngân hàng bò”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, nạn nhân bị nghiễm chất độc hoá học.

Ngoài ra, hai bên cũng cùng tham gia thực hiện chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em với các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, tập huấn sơ cấp cứu, tổ chức học kỳ nhân ái, trường học an toàn.

Năm 2014, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bố trí giao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện đào tạo nghề cho người khuyết tật với kinh phí 6 tỷ đồng, tuy nhiên do có những khó khăn, vướng mắc trong quy định về dạy nghề nên không triển khai được kế hoạch và phải trả lại ngân sách. Vì vậy, trong giai đoạn 2017-2020, hai cơ quan tiếp tục hợp tác đào tạo nghề cho người khuyết tật để họ tự lo sinh kế, các hoạt động dạy nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục