Xuất khẩu hàng hóa 2 tháng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9%

Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. HCM giảm 19,1% trong tháng Hai, nhưng lũy kế hai tháng đầu năm xuất khẩu hàng hóa của thành phố vẫn tăng và số lượng đơn hàng của doanh nghiệp rất khả quan.
Xuất khẩu hàng hóa 2 tháng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9% ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sau khi tăng trưởng mạnh trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, qua tháng Hai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,1%.

Tuy nhiên, lũy kế hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của thành phố vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ và số lượng đơn hàng của doanh nghiệp rất khả quan.

Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm hơn 19% so với tháng 1; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3,18 tỷ USD, giảm 19,2%.

Sự sụt giảm này xuất phát từ việc tháng 2 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày và đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 7,11 tỷ USD, tăng 4,3%.

Trong số đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 343,7 triệu USD, tăng gần 23%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 2,28 tỷ USD, tăng 33,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,27 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ.

[Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gần 87% trong 2 tháng]

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ và chiếm 77%; trong đó xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 20,2%; xuất khẩu hàng dệt, may đạt 797,6 triệu USD, tăng hơn 88%; giày dép xuất khẩu đạt 377,4 triệu USD, tăng 25,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu đạt 456,5 triệu USD, tăng 47,7%.

Riêng mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu đạt 466.600 tấn, tăng 34,1% với giá trị đạt gần 262 triệu USD, tăng 74,7%.

Trong khi đó, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 695 triệu USD, tăng trên 63% so với cùng kỳ và chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các sản phẩm có kim ngạch lớn gồm gạo có sản lượng xuất khẩu đạt 168.400 tấn với giá trị đạt trên 129 triệu USD, tăng 18,3%; càphê có sản lượng xuất khẩu đạt 59.200 tấn với giá trị đạt hơn 123 triệu USD, tăng 99,2%; sản lượng cao su xuất khẩu đạt 79.900 tấn với giá trị đạt 114,2 triệu USD, tăng 32,4%.

Xuất khẩu hàng hóa 2 tháng của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9% ảnh 2Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 179,3 triệu USD, tăng 85,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 2,6%. Nhóm hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu đạt 146,2 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 2,1%.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,32 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ, chiếm 19,2% tỷ trọng xuất khẩu. Thị trường Hoa Kỳ dù đứng thứ 2 nhưng giá trị xuất khẩu và tỷ trọng gần như xấp xỉ Trung Quốc.

Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 25,1%) song nhiều doanh nghiệp, ngành hàng thông tin đơn hàng xuất khẩu cho năm 2022 đang rất khả quan. Các doanh nghiệp ngành cao su-nhựa của Thành phố có đơn hàng xuất khẩu tăng từ 10-30% so với trước.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết sau thời gian dài sản xuất toàn cầu ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng hàng hóa tồn kho hiện rất thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới từng bước phục hồi trở lại. Hiện nay đơn hàng tăng ở nhiều thị trường, doanh nghiệp không lo thiếu đơn hàng mà chỉ lo không có đủ nguồn lực để sản xuất vì giá nguyên liệu và giá cước vận tải đều cao.

Tương tự, các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2/2022, một số doanh nghiệp đã đàm phán đơn hàng cho cả năm và đang tích cực sản xuất để đáp ứng tiến độ.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ ngành dệt may đã có vị thế nhất định trên thị trường thế giới nhờ duy trì năng lực cung ứng hàng hóa trong suốt 2 năm xảy ra dịch COVD-19.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ, tăng năng suất để kịp giao hàng trong các tháng tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi số và tích cực tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục