Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD trong 7 tháng năm 2023

Trong 7 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản, chăn nuôi tăng trưởng tốt nhưng giá trị xuất khẩu của nhóm thủy sản, lâm sản, đầu vào sản xuất lại giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD trong 7 tháng năm 2023 ảnh 1 Giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 7 tháng đạt 3,23 tỷ USD, tăng tới 68,1%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu một số nhóm giảm như: Giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Những nhóm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 % (trong đó giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%); sản phẩm chăn nuôi 276 triệu USD, tăng 27,4%. Riêng giá gạo 534 USD/tấn, tăng 9,2%; cà phê 2.540 USD/tấn, tăng 12,8%.

[Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ]

Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á dẫn đầu với 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục