Để tăng xuất khẩu động vật và sản phẩm từ động vật thì việc đảm bảo vệ sinh thú y; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đóng vai trò rất quan trọng...
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến Phổ biến và giải đáp một số quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y do Cục Thú y, Vụ Pháp Chế và Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức ngày 14/8.
Tại sao xuất khẩu động vật còn hạn chế?
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thời gian qua ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật còn rất hạn chế. Năm 2022 giá trị xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ được khoảng 400 triệu USD.
[Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm]
Theo ông Long, nguyên nhân xuất khẩu còn ít so với sản lượng là do chăn nuôi trong nước cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, các yêu cầu vệ sinh thú y chưa đạt, còn một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người... Do đó, các quốc gia nhập khẩu rất quan ngại, dẫn đến Việt Nam rất khó để đạt được "quốc gia an toàn dịch bệnh."
Theo ông Long, trong thời gian qua, Cục Thú y đã rà soát toàn diện văn bản pháp luật về thú y đảm bảo hợp hiến; giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành chăn nuôi phát triển mạnh, các quy định về thú y cũng phải tương xứng với tốc độ phát triển và hội nhập quốc tế.
“Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại với các quốc gia. Các hiệp định thương mại này đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế, chủ động trong quá trình hội nhập. Do đó, Cục Thú y đã rà soát, tiếp thu, sửa đổi các quy định về thú y tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban nhiều thông tư hướng dẫn những quy định mới về thú y,” ông Long cho hay.
Nhiều ưu tiên với vùng an toàn dịch bệnh
Để tăng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, ông Long cho rằng phải xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030.
Nhằm giúp địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện, Cục Thú y cũng tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết thông tư 24 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại của Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT về quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh chưa được cụ thể hóa. Một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế như: Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát, kế hoạch ứng phó dịch bệnh, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật cũng được sửa đổi.
Ngoài ra, Thông tư 24 còn quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; số lượng mẫu giám sát; quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) cho biết hiện Cục Thú y chịu trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định trên.
“Khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở sẽ hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch,” ông Tiến cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Thú y, việc bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước, thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản... góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam./.