Các nước nỗ lực tìm giải pháp mang lại nền hòa bình cho Libya

Đại diện các nước đã tập trung thảo luận cách thức mang lại hòa bình cho Libya cũng như mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ IS đang hoạt động tại Libya.
Các nước nỗ lực tìm giải pháp mang lại nền hòa bình cho Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/5, Hội nghị quốc tế bàn về Libya dưới sự chủ trì của Mỹ và Italy đã diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm khởi động giai đoạn hai của kế hoạch ổn định tình hình tại quốc gia Bắc Phi này cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một số nước châu Âu, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nước Malta, Chad, Niger và Sudan.

Đại diện các nước đã tập trung thảo luận cách thức mang lại hòa bình cho Libya cũng như mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ IS đang hoạt động tại Libya.

Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của Pháp, ông Harlem Desir nhấn mạnh "IS là một mối đe dọa không chỉ đối với người dân Libya mà còn cả khu vực Bắc Phi và châu Âu. Ông kêu gọi các thế lực chính trị tại Libya "cần thành lập một liên minh với chính quyền của Thủ tướng được chỉ định Fayez al-Sarraj, đồng thời thành lập các tổ chức cần thiết để đối phó với IS."

Trước đó, phát biểu trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá liệu cuộc họp này có thành công trong việc thúc đẩy mục tiêu mang lại hòa bình cho Libya.

Ông cho rằng với tình trạng hỗn loạn như hiện nay, liệu cuộc đàm phán có thành công hay không trong việc đưa Libya từ "nơi mà khủng bố, buôn người và tội phạm bất ổn tràn lan" tới một đất nước tái lập thống nhất là một câu hỏi đang để ngỏ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni nhấn mạnh hội nghị cần đưa ra một giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ chính quyền của Thủ tướng al-Sarraj được đa số các thành viên trong Quốc hội ủng hộ, song sự cản trở của Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh đã gây trở ngại cho hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông.

Dự kiến, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, Mỹ và các cường quốc thế giới cam kết sẵn sàng cung cấp vũ khí cho chính phủ được quốc tế công nhận của Libya để đối phó với IS và các nhóm khủng bố khác, đồng thời sẽ thúc đẩy việc miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia Bắc Phi này.

Hiện Liên hợp quốc đang áp đặt một lệnh cấm vận đối với Libya nhằm ngăn chặn các loại vũ khí gây sát thương có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và các nhóm phiến quân đang tranh giành quyền lực tại nước này.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011.

Quốc gia Bắc Phi này tồn tại song song hai chính quyền đối địch, một tại thành phố Tripoli và một chính quyền tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Lợi dụng sự bất ổn này, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu.

Dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành tại Tripoli hồi đầu năm nay và đang nỗ lực xác lập quyền quản lý trên cả nước.

EU và các nước phương Tây tích cực hậu thuẫn chính phủ do ông al-Sarraj đứng đầu, hy vọng chính phủ này có thể đoàn kết đất nước Libya để chống IS, cũng như ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ nước này tràn vào châu Âu.

Tuy nhiên, Quốc hội tại Tobruk do ông Aguila Saleh lãnh đạo tới nay vẫn từ chối tiến hành cuộc bỏ phiếu để ủng hộ tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục