TTK LHQ khẳng định không có giải pháp quân sự tại Afghanistan

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 14/6 nhấn mạnh sẽ không có giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột ở Afghanistan vốn buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
TTK LHQ khẳng định không có giải pháp quân sự tại Afghanistan ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (phải ) thăm khu trại tạm thời ở ngoại ô thủ đô Kabul ngày 14/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sẽ không có giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột ở Afghanistan vốn buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đây là phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 14/6 trong chuyến thăm không báo trước tới Afghanistan.

Phát biểu tại một khu trại tạm thời ở ngoại ô thủ đô Kabul dành cho những người phải sơ tán do xung đột, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định cuộc khủng hoảng ở Afghanistan chỉ có thể được giải quyết thông qua việc chấm dứt chiến tranh và hòa bình là giải pháp cho vấn đề này.

Do đó, ông hối thúc tìm ra một giải pháp thực sự nhằm chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan.

Trước đó, phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter khi vừa đặt chân tới Kabul, ông Guterres nhấn mạnh: "Liên hợp quốc sát cánh cùng Afghanistan ở thời điểm bạo lực và đau thương."

Dự kiến, trong chuyến công du này, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Gani.

Chuyến công du Afghanistan đầu tiên của ông Guterres với tư cách là Tổng thư ký Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Afghanistan phải đối mặt với tình trạng bất ổn nội bộ, lực lượng nổi dậy giành nhiều thắng lợi trên khắp đất nước và liên quân quốc tế đang cân nhắc kế hoạch cử thêm hàng nghìn binh sỹ tới Afghanistan nhằm hỗ trợ quân đội nước này.

[Khai mạc Hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình Afghanistan]

Những yếu tố này đã làm trầm trọng cuộc khủng hoảng liên quan đến người tị nạn và những người phải sơ tán trong nước, buộc các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc phải kêu gọi tài trợ khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, ít nhất 126.000 người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hơn 218.000 người tị nạn phải trở về nước từ hai quốc gia láng giềng là Iran và Pakistan do áp lực từ chính quyền của các nước này.

Tổ chức Di cư quốc tế ước tính ít nhất 600.000 người tị nạn có thể sẽ trở về Afghanistan trong năm nay, gây khó khăn cho các tổ chức cứu trợ trong việc hỗ trợ những người sơ tán mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục