10 năm thảm họa kép ở Nhật Bản: Biến ký ức đau thương thành hành động

Sau 10 năm xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần, người dân ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đã vượt qua đau thương, vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
10 năm thảm họa kép ở Nhật Bản: Biến ký ức đau thương thành hành động ảnh 1Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Ishinomaki, Nhật Bản, ngày 11/3/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Yuto Naganuma ngồi lặng thinh như tượng khi làn gió biển lạnh lẽo lướt qua những bức tường đổ nát của trường tiểu học Okawa ở Đông Bắc Nhật Bản, nơi em trai 8 tuổi của anh đã bỏ mạng trong thảm họa động đất-sóng thần kinh hoàng năm 2011.

Mười năm trôi qua, Naganuma và những người đồng trang lứa trở thành thế hệ trẻ có cuộc sống được định hình bởi thảm họa động đất-sóng thần và sự cố rò rỉ chất phóng xạ hạt nhân sau đó.

Họ là những người đã bị thiên tai cướp đi gia đình, nhà ở, trường học và cộng đồng cư dân thân thuộc. Trải nghiệm kinh hoàng này đã trở thành động lực giúp họ vươn lên sau bi kịch và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Ngay cả khi một thập kỷ đã trôi qua, những ký ức đau thương của Naganuma vẫn còn nguyên như mới ngày hôm qua. Anh chia sẻ: "Tôi đã mất đi gia đình và cộng đồng của mình. Những thứ đã ăn sâu vào con người tôi. Tôi cảm thấy như trận sóng thần đó đã cướp đi một nửa cơ thể của tôi vậy."

Em trai của Yuto Naganuma là một trong số 74 em nhỏ và 10 nhân viên làm việc tại trường tiểu học Okawa đã bị sóng thần cuốn trôi, khi không kịp sơ tán đến vùng đất cao hơn.

Naganuma - khi đó mới chỉ 16 tuổi - luôn tự trách bản thân về sự mất mát này. Hai ngày trước khi tai họa xảy ra, Naganuma đã cảm nhận rõ rệt về một rung chấn có độ lớn 7,3 khi đang ở trên bãi biển - điều mà sau này anh xem như lời cảnh báo đã bị bỏ qua.

Bà nội và cụ nội của Yuto Naganuma cũng đã thiệt mạng trong trận sóng thần, khi họ đang chờ để đón em trai của anh đi học về. Anh dằn vặt: "Tôi luôn nghĩ rằng lẽ ra người thân của tôi đã không chết. Nếu tôi cảnh báo cộng đồng quanh mình về điều này, có lẽ họ đã không chết. Tôi thực sự hối tiếc. Tôi đã để điều đó xảy ra mà chẳng làm bất cứ thứ gì để cản nó lại."

Trong những năm sau đó, Naganuma cố gắng tập trung cho cuộc sống bình thường, mặc dù luôn ám ảnh với cảm giác có lỗi của người sống sót sau thảm họa. Anh hiện làm việc tại một trường học, nghiên cứu về quản lý thảm họa, tổ chức các chuyến tham quan và thuyết trình về khả năng ứng phó với thiên tai.

[Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất-sóng thần]

Anh cho biết: "Ở Nhật Bản hay ở những nơi khác, tất cả chúng ta đang sống trong khoảng thời gian giữa các thảm họa. Cách chúng ta sử dụng khoảng thời gian này sẽ thay đổi đáng kể xác suất sống sót khi chúng ta đối mặt với thảm họa tiếp theo."

10 năm thảm họa kép ở Nhật Bản: Biến ký ức đau thương thành hành động ảnh 2Cơn sóng thần lịch sử xảy ra sau thảm họa động đất tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 11/3/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Nayuta Ganbe, 21 tuổi, cũng đang rất tích cực truyền đạt về kinh nghiệm của mình khi xảy ra sóng thần. Ganbe đã cùng mẹ và em gái trú ẩn tại trường học khi nhận được cảnh báo về sóng thần sau trận động đất độ lớn 9,0. Nhưng khi Ganbe mở cửa đón 5 người đàn ông khác cùng vào trú ẩn, một khối nước lớn hòa lẫn với bùn và dầu, mang theo nhiều mảnh vỡ từ xe cộ và nhà ở đã ập vào tòa nhà và xô họ ngã xuống.

Ganbe bị bao vây bởi luồng nước "đặc quánh." Ganbe hồi tưởng: "Giống như thể nước đang giữ chặt lấy mắt cá chân của tôi vậy." Ganbe gần như tê liệt và tận mắt chứng kiến cảnh một người đàn ông đã gào thét khi bị nước cuốn trôi.

Những ký ức đau thương của thảm họa này không chỉ dừng lại ở đó. Ganbe còn nhớ như in cảm giác bàng hoàng khi cậu bất chợt bắt gặp thi thể của ai đó mắc lại ven đường, hoặc đôi khi chỉ là một phần thi thể của người đã chết trong thảm họa.

Đó là một trải nghiệm không hề hiếm thấy đối với trẻ em trong khu vực này vào thời điểm đó. Ganbe cũng không thể quên cảnh người lớn tranh nhau thức ăn. Ganbe đã không có gì để ăn nhiều ngày sau thảm họa sóng thần. Học sinh được yêu cầu hạn chế nói về những người bạn "mất tích" và nhiều người trong số này đã trải qua những cơn hoảng loạn.

Hiện Ganbe đang nghiên cứu xã hội học liên quan thảm họa, nghiên cứu về những điều gì khiến mọi người đột nhiên trở nên linh hoạt trong việc xoay xở để tự cứu mình trong trường hợp nguy cấp và chia sẻ nhiều hơn trên phạm vi toàn quốc về những ký ức kinh hoàng mà anh trải qua. Theo Ganbe, "chủ đề này hiện đã được đưa vào sách giáo khoa."

Trận sóng thần không chỉ ghi dấu ấn không quên đối với những trẻ em chịu trận trực tiếp trong cơn phẫn nộ của Thần Biển, mà còn cả đối với những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Cô Hazuki Shimizu sống ở thị trấn Namie - nằm cách những lò phản ứng gặp sự cố của nhà máy Fukushima Daiichi vài km. Nơi này đã trở nên tan hoang sau khi sóng thần ập tới làm hư hại hệ thống làm mát của nhà máy. Cô đã cùng mẹ và em gái sơ tán trong ngày 12/3/2011, để tới sống tại Chiba, ngoại ô Tokyo.

Cô gái 27 tuổi cho biết: "Trái tim tôi như bị xé nát. Tôi không thể làm gì trong tình cảnh đó." Mặc dù cô đã được an toàn, nhưng không phải lúc nào cũng được che chở trước nỗi đau. Tại tòa thị chính địa phương, gia đình cô bị tạm giữ trong bãi đậu xe và theo dõi nồng độ phóng xạ. Những người bạn học mới của cô không bao giờ đề cập thảm họa này. Shimizu trăn trở: "Tôi không biết tại sao mọi người không nói về điều này... Tại sao họ không quan tâm? Tôi cảm thấy rất cô lập."

Sau này, Hazuki Shimizu chuyển về sinh sống tại miền duyên hải và hiện làm việc cho một nhóm chuyên giúp lưu giữ những ký ức về thảm họa động đất-sóng thần 2011.

Shimizu cùng các cộng sự cũng mở lớp dạy kèm cho các trẻ em và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cô chia sẻ: "Do cũng là một nạn nhân của thảm họa, nên tôi thấm thía được rằng điều đó rất khó khăn. Có rất nhiều người đang trải qua nỗi buồn và sự giằng xé. Chúng ta cần lắng nghe họ và đứng về phía họ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục