Ngày 14/10, Ai Cập đã ghi nhận thêm các chuyến bay chở hàng viện trợ đến Bán đảo Sinai, nơi hàng cứu trợ đang được lưu giữ cho đến khi việc vận chuyển vào Dải Gaza gần đó qua cửa khẩu biên giới Rafah được đảm bảo an toàn.
Hai chuyến bay chở hàng viện trợ, trong đó có một chuyến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến sân bay Al Arish ở tỉnh Bắc Sinai, cách biên giới Gaza khoảng 45km, nâng tổng số chuyến bay chở hàng cứu trợ nhân đạo cho Gaza đến sân bay Al Arish trong tuần này lên ít nhất 5 chuyến.
Giới chức Ai Cập cho biết phía cửa khẩu Rafah nối Sinai với Gaza vẫn mở, mặc dù giao thông đã bị tạm dừng trong vài ngày do các cuộc không kích của Israel vào phía biên giới của người Palestine.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ đã làm việc với Ai Cập, Israel và Qatar để mở cửa khẩu Rafah vào ngày 14/10.
[Xung đột Hamas-Israel: Người dân nhiều nước tuần hành phản đối bạo lực]
Theo quan chức này, Washington đã liên lạc với những người Mỹ gốc Palestine ở Gaza, với một số người trong số này bày tỏ mong muốn rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah, nhưng hiện không rõ liệu phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza có cho phép tiếp cận cửa khẩu này hay không.
Một nguồn tin an ninh Ai Cập cho hay lực lượng an ninh Ai Cập đang tăng cường an ninh ở phía biên giới nước này, đồng thời khẳng định thông tin nói rằng Ai Cập đang phong tỏa cửa khẩu Rafah là không chính xác. Cửa khẩu Rafah là điểm thoát chính của 2,3 triệu cư dân ở Dải Gaza.
Israel và Ai Cập đã duy trì phong tỏa khu vực này, kiểm soát việc di chuyển hàng hóa và hoạt động đi lại của người dân kể từ khi lực lượng Hamas nắm quyền kiểm soát dải đất này vào năm 2007.
Người phát ngôn quân sự Israel ngày 14/10 cho biết cửa khẩu biên giới vẫn đóng cửa và mọi hoạt động vượt biên sang Ai Cập cần phải có sự phối hợp của phía Israel.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ tăng gấp 3 lần viện trợ nhân đạo hiện tại cho Gaza lên mức 75 triệu euro (78,8 triệu USD) và sẽ phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc để đảm bảo hàng viện trợ đến tay những người cần được giúp đỡ.
Tuyên bố của EC nhấn mạnh cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để đảm bảo dân thường vô tội ở Gaza được hỗ trợ trong bối cảnh xung đột hiện nay.
Trước đó, hôm 13/10, Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã kêu gọi tài trợ gần 294 triệu USD để giúp đỡ khoảng 1,3 triệu người ở Gaza và Bờ Tây, trong đó gần một nửa là viện trợ lương thực, khi nguồn cung cấp đang dần cạn kiệt.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cùng ngày nhận định tình hình nhân đạo ở Gaza, vốn đã rất nghiêm trọng, giờ đây “ngày càng trở nên khó giải quyết."
Theo ông Griffiths, Gaza hiện không có điện, nước hoặc nhiên liệu, trong khi lương thực đang cạn kiệt ở mức nguy hiểm.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia có ảnh hưởng nỗ lực đảm bảo tôn trọng các quy tắc chiến tranh và tránh gây leo thang hơn nữa./.