Trước thềm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Ngoại trưởng nước chủ nhà Ai Cập Sameh Shoukry ngày 23/10 đã kêu gọi thế giới tập trung vào “mối đe dọa hiện hữu” mà nhân loại phải đối mặt là “biến đổi khí hậu," tránh bị chệch hướng mục tiêu bởi các cuộc xung đột và khủng hoảng quốc tế hiện nay.
Nhà ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị COP27 cảnh báo các bên tham gia sự kiện toàn cầu này cần nhận thức rằng vấn đề cốt lõi và mấu chốt là giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và đây không phải là một diễn đàn để giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác không liên quan hành động khí hậu.
Ông Shoukry nói thêm tại COP27, tất cả các bên cần tôn trọng trách nhiệm chung của mình và phải đảm bảo rằng các cuộc xung đột và khủng hoảng quốc tế đang diễn ra và sự phân cực toàn cầu hiện nay sẽ không tràn sang lĩnh vực khí hậu “theo bất kỳ cách nào."
Ông nhận định rằng nếu nhân loại không đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C, thì những hậu quả tiêu cực sẽ khó có thể tránh khỏi và thế giới sẽ không thể quay trở lại như trước đây.
Ông nhấn mạnh rằng trong vai trò Chủ tịch COP27, Ai Cập đã bắt đầu làm việc để khuyến khích các quốc gia thúc đẩy các mục tiêu giảm phát thải tự nguyện và hướng tới việc đáp ứng các mục tiêu này.
[Ai Cập kêu gọi các nước tham dự COP27 không lệch trọng tâm bàn thảo]
Ngoài ra, Ai Cập cũng đang tìm cách thảo luận về việc đền bù công bằng cho các quốc gia chịu mất mát và thiệt hai nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo ông Shoukry, nhiều nguyên thủ quốc gia đã xác nhận kế hoạch tham dự những cuộc tranh luận cấp cao tại hội nghị COP27, sẽ diễn ra tại thành phố Sharm El Sheikh, ở Biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6-18/11.
Ngoại trưởng Shoukry tiết lộ rằng những sáng kiến của Ai Cập sẽ được đưa ra trong hội nghị COP27 liên quan tới các vấn đề an ninh lương thực, nông nghiệp, hydro xanh, năng lượng mới và tái tạo, đồng thời kêu gọi đảm bảo cuộc sống tốt đẹp ở châu Phi vì lục địa này chỉ thải ra 4% trong tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng lại đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhà ngoại giao Ai Cập bày tỏ hy vọng rằng những sáng kiến này sẽ được hỗ trợ, không chỉ bởi các chính phủ mà còn bởi cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự, những người có ảnh hưởng và các tổ chức phi chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu./.